Ấn tượng nhất trong các thống kê tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ trên địa bàn TPHCM ở bất kỳ giai đoạn nào trong năm, thậm chí từ năm này sang năm khác, đó là môtô luôn được xếp vào loại “tội đồ” hàng đầu. Câu hỏi đặt ra là vì sao như thế?
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do số lượng xe gắn máy hai bánh lưu hành trên địa bàn thành phố không chỉ phổ biến mà còn quá nhiều, khi mà hiện nay trong tổng số 3 triệu ôtô, xe máy đăng ký lưu thông tại thành phố, ôtô chỉ chiếm hơn 200.000 chiếc, một tỉ lệ chênh lệch quá lớn! Lập luận lượng phương tiện nhiều nên tất yếu gắn nhiều tới TNGT vẫn có lý trong chừng mực nào đó.
Bởi vì số lượng môtô nhiều suy cho cùng vẫn chỉ là lý do khách quan, có lẽ điều đáng quan ngại nhất lại nằm chính trong suy nghĩ chủ quan của một bộ phận không ít người tham gia lưu thông: thiếu ý thức chấp hành luật giao thông mà một trong những biểu hiện thường xuyên nhất, dễ nhận ra nhất của sự “thiếu ý thức” ấy chính là thói quen không nhìn biển báo giao thông cắm bên đường!
Sáng 25-4, chỉ trong hai mươi phút, từ 9g25 đến 9g45, đứng quan sát tại ngã ba Bùi Thị Xuân-Cống Quỳnh, thuộc địa bàn phường Phạm Ngũ Lão-quận 1, chúng tôi đã đếm được có hơn 50 xe mô tô phạm luật: cứ rẽ trái từ đường Bùi Thị Xuân sang Cống Quỳnh, mặc dù cách giao lộ chừng 50m trên đường Bùi Thị Xuân có cắm tấm biển báo “cấm rẽ trái”, hơn nữa vị trí tấm biển báo không hề bị che khuất, tức là khi còn cách ngã ba cả trăm mét, người điều khiển phương tiện vẫn dễ dàng nhìn thấy nếu… chịu quan sát.
Không những thế, nhiều phương tiện còn rất “chủ động” rẽ trái bằng cách ngay từ khoảng cách 50m trước khi vào ngã ba đã cho xe áp sát giải phân cách, hoặc có những xe bật đèn signal kèm âm thanh ồn ã rất “vô tư” trước khi quẹo xe… sái luật! Nhìn vào biển số xe của các phương tiện vi phạm mới thấy hết sự “đa dạng” khi có đủ loại: 43… (biển số Đà Nẵng), 60… (Đồng Nai), 62… (Long An), 63… (Tiền Giang), 72… (Vũng Tàu), 76… (Quảng Ngãi), 77… (Bình Định), nhưng dĩ nhiên áp đảo vẫn là biển số xe thành phố: 51…, 52…, 53… Tuyệt nhiên không hề có một ai ngó mắt theo dõi biển báo giao thông (có chăng chỉ là nhìn xem trên đường Cống Quỳnh có cảnh sát giao thông chốt không), và đấy mới là điều đáng ngại nhất.
Giao lộ này không phải là điểm duy nhất cho thấy “thói quen” không nhìn biển báo của người điều khiển phương tiện, bởi vì nếu để tâm quan sát trên đường, từ quận trung tâm đến quận ven ngoại thành, người ta không phải “đợi” lâu để được mục sở thị lỗi giao thông này: vượt đèn đỏ (không nhìn đèn báo tín hiệu giao thông hay nhìn mà không chấp hành thì cũng không khác gì nhau); chạy lấn tuyến (không nhìn vạch sơn phân tuyến hay nhìn nhưng không chấp hành thì cũng vậy), tương tự thế là các lỗi đi vào đường ngược chiều, đi vào đường cấm… và đây đều là những nguyên nhân xếp hàng đầu trong bảng liệt kê các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.
Còn nhớ tại cuộc hội thảo về “Tuyên truyền-vận động đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên địa bàn thành phố” vừa được Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp với UBMTTQ VN TPHCM tổ chức cách đây chưa lâu, luật sư Nguyễn Văn Hậu-Hội Luật gia TP đã lưu ý một “tật” xấu mới phát sinh thời gian gần đây: hiện tượng một bộ phận không nhỏ người tham gia lưu thông, đặc biệt giới trẻ, vừa điều khiển xe tham gia lưu thông vừa gắn tai nghe nhạc. Theo luật sư Hậu, đó là một hành vi rất nguy hiểm. “Đáng tiếc là hành vi nguy hiểm ấy chưa bị phạt thích đáng”, ông Hậu nói.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, đội trưởng Đội 2-Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ nhận xét rằng đấu tranh với những tật xấu này rất khó khăn, bởi vì liên quan đến ý thức chấp hành.
Có lẽ đẩy mạnh tuyên truyền (từ các cơ quan chức năng) và xử lý kiên quyết các vi phạm (việc của CSGT) là hai “bài thuốc” tốt nhất vào lúc này để trị “bệnh” không nhìn biển báo-nói riêng, ý thức chấp hành luật giao thông-nói chung.
Duy Khánh