Nới visa thôi chưa đủ…
Tăng cường miễn visa để thúc đẩy số lượng khách quốc tế liên tục những năm qua được nêu lên tại các cuộc họp, hội thảo bàn về du lịch ở quy mô quốc gia. Mới đây nhất, đề xuất này lại tiếp tục được đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 hồi tháng 5-2019 khi một chuyên gia du lịch chỉ ra rằng, số liệu cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng 7,6%, thấp nhất trong những năm vừa qua. Một trong những nguyên nhân là việc cải thiện tính cạnh tranh trong thị thực cho khách đến Việt Nam chưa cao. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng nhấn mạnh, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam khiến người xin visa cảm thấy không được chào đón, thậm chí là một trong những nút thắt lớn nhất cản trở du lịch phát triển…
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, các chuyên gia du lịch cho rằng, nếu miễn visa để tăng cường thu hút khách mà không có sự cải thiện các “nút thắt” khác như: cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, Việt Nam dễ tiếp tục lún sâu vào tình trạng “khách một đi không trở lại”. Sức chứa và năng lực đón khách ở nhiều điểm đến Việt Nam vẫn chưa đảm bảo để đón tiếp khách ở giai đoạn hiện tại, chưa nói đến lượng khách tăng cao nếu Việt Nam “mở cửa” thêm cho các thị trường tiềm năng khác. “Ngoài một số địa phương được các Tập đoàn lớn đầu tư mạnh tay, đáp ứng thị hiếu của khách quốc tế như Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Kiên Giang... còn lại đa số vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet Travel đánh giá.
Thậm chí, ngay một trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, dù lượng khách năm sau luôn tăng hơn năm trước, song dịch vụ, sản phẩm phục vụ du khách thì bao năm qua vẫn không thấy nhiều cái mới. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, cả năm 2018, Thủ đô chỉ có thêm 1 khách sạn 5 sao (InterContinental Hanoi Landmark72 với 358 buồng phòng), khiến cho các doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn trong việc tổ chức tour. “Vì thiếu phòng khách sạn 5 sao nên khách MICE và khách cao cấp thường lưu trú lại Thủ đô ít ngày hơn so với những điểm đến khác. Thực tiễn hoạt động của TransViet cho thấy, giá phòng khách sạn 5 sao ở Hà Nội cao gấp hơn 2 lần Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Chính vì thế, thay vì tổ chức ở Hà Nội như dự kiến ban đầu, nhiều đoàn MICE đã chuyển sang Bangkok” - ông Đạt dẫn chứng. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2018, khách lưu trú ở Hà Nội chỉ đạt 1,75 ngày/chuyến đi.
Ngay cả “Thành phố đáng sống” Đà Nẵng, nơi có thể nói sở hữu nhiều resort, khách sạn nhất nhì cả nước thì thực trạng chung vẫn đang là… quá tải mùa cao điểm. Chưa kể, Đà Nẵng gần đây khách quốc tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, sau hiệu ứng Cầu Vàng cũng như những sự kiện lễ hội lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Vũ hội Ánh Dương (Bà Nà Hills)…
“Mỗi dịp Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, khách có nhu cầu đến Đà Nẵng rất lớn, nhưng các nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, lưu trú đều quá tải khiến giá bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành. Không ít du khách của FiveStar Travel phàn nàn về việc chất lượng dịch vụ không tương xứng với số tiền, không như kỳ vọng. Do đó, để bảo vệ uy tín, các công ty lữ hành thường phải từ chối khách hàng hoặc khuyến khích khách mua dịch vụ đơn lẻ, khiến doanh thu giảm đáng kể” - ông Lương Duy Doanh - Giám đốc FiveStar Travel cho biết.
Làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh của điểm đến?
Mới đây, Hà Nội, TPHCM và Hội An đứng trong danh sách Top 10 thành phố có chi phí du lịch rẻ nhất thế giới năm 2019 của trang Price of Travel. Trước thông tin này, ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Với nhiều người, đó là điều đáng mừng, nhưng tôi lại cảm thấy buồn. Bởi con số cho thấy chúng ta chưa thu được nhiều tiền của khách. Thực tế, các doanh nghiệp du lịch thu tiền tour chỉ là một phần nhỏ, số tiền khách chi tiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ, quà lưu niệm, hàng hóa ở địa phương lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia đã tính toán rằng, 3/4 số tiền du khách chi tiêu khi xê dịch là để mua sắm”.
“Rẻ” cũng là “thực trạng” chung của du lịch Việt Nam. Các trung tâm du lịch lớn của ta đang thiếu những sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp để thu hút phân khúc khách hạng sang. Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, trong 5 năm trở lại đây, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu cho việc thuê phòng lưu trú và ăn uống, chiếm đến 60%, mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi giải trí, chi phí chỉ bằng 7 - 10% trong tổng chi phí.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với nguồn tài nguyên du lịch hiện có, con số khoảng 15-20 triệu lượt khách quốc tế hiện tại của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhiều khách quốc tế hơn thế. “Vấn đề là chúng ta cần đầu tư ngày càng đồng bộ, phong phú, chất lượng và hấp dẫn hơn. Trong đó, nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các dự án khách sạn cao cấp, khu vui chơi nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du khách. Bởi thực tế cho thấy các dự án của tư nhân đang hoạt động rất tốt” – ông Thắng khẳng định.
Đích đến cuối cùng của ngành du lịch vẫn là khách tăng, doanh thu cũng phải tăng. Và như thế, mấu chốt của vấn đề đi sau việc nới visa lại là tăng số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch. Mà điều này, nếu nhà nước, chính quyền các địa phương chịu tạo sân chơi thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ còn làm tốt hơn chúng ta nghĩ.