“...Nón bảo hiểm thân thiện môi trường”

Đó là ý tưởng độc đáo mà tác giả Trịnh Thị Lan đã đem đến cuộc thi “Phát minh xanh” khi chọn nguyên liệu là trái dừa để làm nón bảo hiểm. Ý tưởng này của Lan không những đã tận dụng tốt nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước mà còn giải quyết được bài toán giảm thiểu nhựa phế thải phát sinh từ loại nón bảo hiểm làm bằng nhựa tái sinh.

Lan cho biết, cách làm nón bảo hiểm từ trái dừa khá đơn giản. Cưa một phần trái dừa theo chiều dọc. Chọn phần còn lại sao cho bằng, đẹp (cắt bỏ phần lồi lõm). Sau đó chỉnh sửa phần còn lại sao cho đường kính vừa lọt đầu. Bỏ phần gáo bên trong sao cho phần sơ dừa không bị rối lên (nếu trái dừa to và vừa đầu thì không cần bỏ phần gáo bên trong).

Kế đến lót lớp mút mỏng vào bên trong dể tạo độ êm không bị đau cho người đội rồi dùng keo dính để dán mút hoặc vải vào phần sơ dừa. Phần vành nón sẽ được dát một lớp thiết (hoặc sắt) mỏng để bao xung quanh có bề rộng khoảng 6cm, sau đó khoan hai lỗ ở hai bên vành nón sao cho cân bằng nhau, gắn quai nón vào và cuối cùng là chỉnh lại cho vừa rồi sơn màu cho nón.

Kết quả thí nghiệm về tính an toàn của chiếc nón bảo hiểm bằng trái dừa cho thấy tương đương như chiếc nón bảo hiểm bằng nhựa. Cụ thể khả năng chịu lực khá tốt. Lực nén có thể làm cho nón bị biến dạng và bể là 800kg (có gáo bên trong), còn không có gáo bên trong chịu được lực nén là 550kg. ngoài ra, loại mũ thân thiện môi trường này rất khó bị vật nhọn đâm thủng vì nó có lớp xơ khá dày.

Ngoài ra, ưu điểm của chiếc nón từ trái dừa khô chịu được độ rơi khá lớn (rơi từ trên cây xuống mà không bể), lực ma sát gây ra từ vỏ dừa khá lớn và đặc biệt là nó rất nhẹ. Các xơ dừa rất dính vào nhau làm tăng độ bền và tạo ra một độ đàn hồi cho vật liệu tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Đặc biệt chi phí làm ra chiếc nón trên chỉ mất khoảng 38.000 đồng nên có tính cạnh tranh rất cao.

Nhận xét về ý tưởng này, bà Phạm Xuân Anh Thy, Ban tổ chức giải thưởng “Phát minh xanh” cho biết, ý tưởng làm chiếc nón bảo hiểm từ trái dừa là khá táo bạo và có tính thực tế cao. Có thể nói, dừa là nguồn nguyên vật liệu khá dồi dào trong cả nước. Việc tận dụng trái dừa làm nón bảo hiểm không chỉ tận dụng tối đa lợi thế này, đưa ra thị trường những chiếc nón bảo hiểm đảm bảo chất lượng với giá thành rẻ và quan trọng hơn đã hạn chế đáng kể chất thải từ nhựa tái chế phát sinh từ những chiếc nón bảo hiểm bằng nhựa như hiện nay. 

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục