Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần. Đây là thời điểm thị trường thực phẩm, đồ uống trở nên sôi động, phong phú nhất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của người dân. Thế nhưng vào giai đoạn năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới thì nỗi lo lắng, bức xúc của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm lại tràn ngập, căng thẳng hơn khi mà rất nhiều loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tung hoành khắp thị trường từ Bắc chí Nam.
Không chỉ có nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà ngay cả trách nhiệm của không ít bộ ngành chức năng và chính quyền các cấp cũng lỏng lẻo và yếu kém trong quản lý lĩnh vực này. Chính vì vậy mới có tình trạng trong suốt gần 1 tháng qua, lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… triển khai quyết liệt nhiều biện pháp ngăn chặn gia cầm thải loại của Trung Quốc nhập lậu vào nước ta nhưng thực tế, ở nhiều tỉnh thành nội địa như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc vẫn liên tiếp bắt giữ được nhiều xe hàng chở hàng tấn gia cầm nhập lậu.
Cùng với đó, tại nhiều địa phương, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những kho chứa hàng tấn nội tạng động vật, thịt động vật, gia cầm, chân trâu, chân bò đã thiu thối, nhớt nhát nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết. Chưa dừng lại đó, ở nhiều chợ đầu mối cũng đầy rẫy những thực phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng cùng hàng trăm loại hóa chất phụ gia thực phẩm độc hại.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế thì tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, tính đến tháng 12-2012, cả nước đã ghi nhận 164 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người chết. Đáng lo hơn, so với năm 2011, số vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc và số trường hợp chết do thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại đều tăng mạnh.
Tuy nhiên, số liệu trên chỉ là bề nổi của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta, khi còn rất nhiều loại thực phẩm nguy hại, hóa chất cấm trong thực phẩm, đồ uống đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân. Trong khi đó, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm ở nước ta hiện rất hạn chế, nhiều địa phương chỉ có kiểm nghiệm được khoảng 5% chỉ tiêu ô nhiễm hóa học trong các loại thực phẩm.
Đặc biệt, hiện cả nước mới kiểm soát được 27% sản phẩm thịt có nguồn gốc, 73% số lượng thịt vẫn tiêu thụ trên thị trường là trôi nổi, chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã lập 8 đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh thành từ ngày 10-1 đến ngày 15-2. Các đoàn tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như rượu, mứt, bánh kẹo, thực phẩm, gia súc, gia cầm, chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc.
Ngay trong tháng 1 này, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành chức năng tổ chức phát động tháng cao điểm về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên xem ra những biện pháp, hành động trên chỉ mang tính tức thời, khó đem lại hiệu quả cao và sự an tâm cho người tiêu dùng. Bởi lẽ an toàn vệ sinh thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, tới phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Do đó, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ trong tất cả các khâu chuỗi, phải ngăn chặn từ đầu nguồn chứ không phải hở đâu mới bịt đó.
Hơn nữa để giải quyết gốc rễ của vấn đề thì cần phải có chiến lược quy hoạch lại chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối theo hướng tập trung, cùng với đó các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng phải nâng cao hơn trách nhiệm trong quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm.
MINH KHANG