Tiểu thương quen mối
Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Công thương Đồng Nai về tình hình xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và tình hình phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn, đại diện UBND thị xã Long Khánh và huyện Thống Nhất đã đề nghị cần có biện pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận, đưa sản phẩm nông nghiệp vào chợ Dầu Giây. Hiện nay, lượng rau củ quả do địa phương sản xuất vào chợ đầu mối vẫn còn rất thấp, hàng nông sản làm ra khó tiêu thụ.
Có mặt tại chợ Dầu Giây dễ dàng nhận thấy có sự lấn át của các mặt hàng nông sản ngoại tỉnh, trong đó mặt hàng chủ lực là rau củ quả từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và các mặt hàng trái cây từ các tỉnh miền Tây. Anh Phạm Văn Hoàng, chủ một vựa bán rau củ quả trong chợ cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở anh bán ra khoảng 3 tạ rau củ quả Đà Lạt. Sở dĩ chọn nguồn cung Đà Lạt là do đã quen mối làm ăn từ trước, việc thanh toán tiền hàng có thể không gấp gáp như khi lấy hàng từ mối mới. Ngoài ra, khi có nhu cầu thu mua nông sản tại Đồng Nai, anh Hoàng chưa biết phải liên hệ tại đâu để tìm nguồn hàng. Tương tự, ông Mai Văn Lượng, chủ một vựa buôn bán trái cây, tiết lộ, dù Đồng Nai là địa phương có nhiều mặt hàng trái cây đặc sản, tuy nhiên ông vẫn chọn nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây để kinh doanh vì đã có mối quen từ trước.
Đại diện chủ đầu tư chợ Dầu Giây thừa nhận: Việc khan hiếm các mặt hàng nông sản của Đồng Nai tại chợ là khó khăn mà công ty đang tìm cách giải quyết. Trước đó, khi chợ chuẩn bị đi vào hoạt động, chủ đầu tư cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hội nghị kết nối, nhưng đến nay mới chỉ có vài mặt hàng như rau cần nước, chôm chôm, sầu riêng của Đồng Nai có bán tại chợ.
Còn nhiều bất cập
Cuối tháng 6-2017, chợ Dầu Giây chính thức đi vào hoạt động, HTX rau an toàn Trúc Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú đã đưa các mặt hàng vào bán tại chợ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu là sẽ có thêm một kênh mới để tiêu thụ sản phẩm, việc buôn bán của HTX đã nhanh chóng kết thúc chỉ sau vài ngày mở hàng. Ông Lê Công Thành, Giám đốc HTX rau an toàn Trúc Lâm, lý giải, do số lượng hàng bán ra ít, giá rẻ, trong khi lại chịu thêm nhiều chi phí phát sinh nên sau vài ngày bán thử, HTX đã quyết định ngưng bán. Ông Thành cho biết thêm, do HTX chưa có các đầu mối mua hàng lớn nên khi vào chợ thì chủ yếu bán cho khách lẻ. Lượng hàng bán ra không nhiều, trong khi đó, để đưa hàng về chợ, mỗi tấn hàng phải chịu thêm khoản chi phí 700.000 - 750.000 đồng tiền vận chuyển. Thậm chí với rau sạch, HTX cũng buộc phải bán thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với bán tại chợ Phương Lâm (thị trấn Tân Phú). Ngoài ra, do quãng đường vận chuyển ngắn nên khi bán tại chợ Phương Lâm, HTX còn giảm được chi phí vận chuyển, tăng được lợi nhuận.
Tương tự, dù đã ký bản ghi nhớ kết nối cung cầu chợ Dầu Giây nhưng hiện HTX nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Bình Lộc (thị xã Long Khánh) vẫn chọn phương án bán các sản phẩm chôm chôm, sầu riêng cho thương lái, thay vì đưa vào chợ đầu mối. Theo ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Bình Lộc, với phương thức bán ký gửi, khi đưa sản phẩm cho các chủ vựa tại chợ Dầu Giây, HTX sẽ mất khoảng 10% tổng doanh thu cho các chủ vựa và còn chịu thêm chi phí vận chuyển sản phẩm về chợ. Trong khi đó, nếu bán cho thương lái, cũng với giá như bán tại chợ, HTX không mất chi phí vận chuyển và tiền “ký gửi” nên có lợi hơn.
Doanh số bán hàng không cao, cộng với việc phải chịu thêm nhiều chi phí phát sinh khiến các HTX, tổ hợp tác và người nông dân địa phương không mấy mặn mà đem nông sản vào buôn bán tại chợ Dầu Giây. Việc bán cho thương lái vẫn là cách thức tiêu thụ chủ yếu mà các HTX, trang trại, nhà vườn lựa chọn. Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến nông sản trên địa bàn tỉnh rất khó tiếp cận với kênh buôn bán trực tiếp tại chợ đầu mối.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Công thương Đồng Nai cho biết, sắp tới sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, đại diện HTX về cách thức bán hàng vào chợ Dầu Giây có hiệu quả hơn và tạo cơ hội ký kết hợp đồng giao thương giữa các bên. Hiện Sở Công thương vẫn tiếp tục phối hợp với ban quản lý chợ để kết nối với doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác nhằm đưa trái cây, rau củ quả về chợ đầu mối để tiêu thụ. Nông sản tại chợ Dầu Giây hiện cung cấp sỉ cho nhiều tiểu thương ở các chợ ở khu vực các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Trảng Bom và Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, nhiều tiểu thương ở TPHCM cũng về lấy hàng để bỏ mối.