Nông dân ngoại thành giúp nhau ăn Tết

Nông dân ngoại thành giúp nhau ăn Tết
Nông dân ngoại thành giúp nhau ăn Tết ảnh 1

Gói bánh tét tặng hộ nghèo

Con hẻm nhỏ tráng nhựa phẳng lì dẫn vào trụ sở Ban chủ nhiệm ấp văn hóa Mỹ Hòa 2 (xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn TPHCM) trong những ngày gần Tết bỗng trở nên nhộn nhịp. Nhiều nông dân tươi cười đi lãnh quà đón xuân. Một nông dân địa phương hào hứng kể: “Bữa nay, tụi tôi đi lãnh “cổ phần” cuối năm do “ngân hàng nông dân ấp” hỗ trợ”.

          ”Ngân hàng ấp” chia “cổ phần” cho người nghèo

Trên 30 hộ nghèo trong ấp đều được chia “cổ phần” quà Tết như nhau gồm 100.000 đồng và một phần quà (gồm bánh, mứt...) trị giá 50.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ nhiệm ấp Văn hóa, cho biết: “ngân hàng” ấp được thành lập hơn 3 năm, do người dân địa phương thành lập và chủ động quản lý, với mục đích cùng tiết kiệm, tương trợ vốn để giúp đỡ nhau và giúp đỡ những hộ khó khăn.

 Đây cũng được xem như nguồn quỹ tương trợ đón xuân của các hộ dân địa phương. Mỗi hộ dân trong ấp được tham gia 1-2 cổ phần (1.000 đồng/cổ phần) và đóng liên tục mỗi ngày trong một năm. Các thành viên có thể vay từ 500.000-1.000.000 đồng/năm, lãi suất 1%/tháng. Cuối năm, các cổ đông sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng góp, số tiền lãi sẽ được chia đều cho hội viên theo dạng quà Tết. Ngoài ra, “ngân hàng” còn dành ra một khoản tiền để mua quà cho các hộ nghèo trong ấp, giúp bà con có điều kiện vui xuân như các hộ khác.

Tết năm nay, tổng số tiền tương trợ cho các hộ nghèo ăn Tết lên đến gần 10 triệu đồng. Hiện “ngân hàng” này đã tập hợp được gần 150 nông dân trong ấp tham gia. Cầm túi quà Tết trong tay, bà Chín Hoa, một hộ nghèo tại địa phương, rưng rưng xúc động. Với bà, món quà tuy không lớn nhưng là tình làng nghĩa xóm. Nó giúp bà ấm lòng trong những ngày xuân.

Không chỉ riêng tại ấp Mỹ Hòa 2, trong những ngày cuối năm này, đi đến các quận, huyện vùng ven TP, điều ghi nhận được của chúng tôi là ngoài sự chăm lo của địa phương, hầu như cả xã, phường, ấp, khu phố đều có phong trào riêng của các hộ nông dân tự giúp nhau ăn Tết. Tại phường Thới An quận 12, gần 200 hộ nông dân trong ấp đã đứng ra thành lập “Quỹ tương trợ vui xuân năm 2005” hỗ trợ quần áo, gạo, mứt cho 100 hộ nghèo tại địa phương với tổng số tiền trên 30 triệu đồng. Ấp Đình xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi lại có phong trào “gói bánh tét tặng hộ nghèo”. Không chỉ người dân trong ấp mà cả các hộ nghèo trong xã cũng đều được tặng 2 cặp bánh để đón xuân...

              Chia thịt bò đón xuân

Chuyện bà con hỗ trợ nhau ăn Tết vui nhất là ở ấp 3 xã Nhị Bình huyện Hóc Môn. Vào ngày 29 tháng chạp (Âm lịch) năm nay, tại ấp sẽ tổ chức hội giết bò chia thịt cho các hộ nghèo ăn Tết. 40 hộ nghèo sẽ được nhận mỗi hộ một phần quà Tết là 5 kg thịt bò được chia đều từ 3 con bê đực do các mạnh thường quân trong xã tự nguyện đóng góp. Gần 2 năm nay, chuyện tặng bò và chia thịt bò cho các hộ nghèo đã trở thành thông lệ vào dịp cuối năm ở địa phương này. Ông Sáu Mạnh, người đứng ra vận động và cũng tài trợ một con bê kỳ này, thổ lộ: Gia đình tui trước đây cũng nghèo khó và cũng nhờ bà con cưu mang nên rất hiểu tâm trạng buồn, tủi thân những những gia đình khó khăn khi xuân về. Bây giờ cuộc sống của tui cũng chưa khá giả gì nhưng dù sao cũng có đồng ra, đồng vào. Sẵn có con bê, thôi thì mình tặng cho các hộ nghèo như một chút tấm lòng chia xẻ với nhau…

Tại phường Trường Thọ quận Thủ Đức, người dân còn có phong trào chơi “hụi heo” để làm quà Tết. Cứ một nhóm gồm có 10-15 hộ hùn vốn nuôi 3-4 con heo thịt và đến ngày 28 tháng chạp (Âm lịch) giết heo chia phần và dành riêng 20 kg thịt để tặng cho các hộ nghèo trong khu phố. Năm nay, Trường Thọ có gần 20 nhóm nuôi heo theo dạng trên.

Chuyện giúp nhau ăn Tết từ hiện vật là “cây nhà lá vườn” kiểu này còn được nhiều nông dân ở xã Bình Khánh huyện Cần Giờ; phường Long Thạnh Mỹ quận 9... thực hiện. Theo ghi nhận và thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, chỉ riêng tại 3 quận, huyện là Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, tổng số tiền mà người dân đóng góp giúp nhau ăn Tết trong năm nay lên đến gần 1 tỷ đồng, bao gồm cả hiện vật và tiền mặt... Ông Lâm Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nhận xét: “Phong trào người dân giúp nhau ăn Tết tại địa phương không chỉ hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc chăm lo Tết cho người nghèo mà còn thể hiện tinh thần “lá lành đùm, lá rách”, đáng quí và trân trọng… ª

Thảo Nguyên

Tin cùng chuyên mục