Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo (tương đương 14 triệu tấn lúa, hơn 1/3 sản lượng lương thực cả nước). Trình độ sản xuất lúa của nông dân Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, một số nước đã cử chuyên gia đến học tập; thậm chí Việt Nam đã “xuất khẩu” cả chuyên gia và nông dân để trồng lúa. Tuy nhiên, để cây lúa phát triển bền vững và tạo được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam, phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, xung quanh vấn đề này.
- PV: Nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông - xuân 2012, thị trường gạo trên thế giới có dấu hiệu “im lặng”. Thưa tiến sĩ, chuyện tiêu thụ lúa hàng hóa đang là vấn đề thời sự ở vựa lúa ĐBSCL?
TS LÊ VĂN BẢNH: Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) đánh giá, dân số thế giới đã vượt ngưỡng 7 tỷ người, trong đó khoảng 1 tỷ người thiếu ăn. Song, tiêu thụ lúa gạo không dễ. Tổng sản lượng lương thực khoảng 400-500 triệu tấn/năm, nhưng thị trường giao dịch chỉ khoảng 30 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn gạo, chiếm 30%; Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn, chiếm khoảng 25%. Các nước nghèo châu Phi thiếu lương thực nhưng không có tiền mua, chủ yếu được các nước giàu mua viện trợ. Hiện nay trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nước giàu tự lo cho người dân họ đã khó, nói chi đến viện trợ. Trong khi đó, lại xuất hiện nhiều “đối thủ” trong xuất khẩu gạo như Pakistan, Ấn Độ, Myanmar. Ngay Campuchia gần đây cũng xuất khẩu gạo.
Lúa hàng hóa của nông dân ĐBSCL đang tồn đọng nhiều, khó bán. Đó là thực tế đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về vấn đề này. Một số nước như Philippines, Indonesia thường nhập khẩu gạo của Việt Nam nên họ nắm khá kỹ về đồng ruộng của chúng ta. Họ biết ta trúng mùa và suy đoán chúng ta không đủ kho chứa sẽ bán đổ, bán tháo... Họ sẽ từ từ chờ xem động thái của Việt Nam.
Có thể nhận định: Việt Nam đã có “thâm niên” xuất khẩu gạo gần 20 năm nhưng chuỗi ngành hàng bị cắt đoạn. Như vụ lúa đông - xuân này sản lượng trên 10 triệu tấn, lúa hàng hóa khoảng 7 triệu tấn. Nông dân sản xuất cứ sản xuất, doanh nghiệp bán thì cứ bán, 2 “ông này” gần như không liên quan với nhau. Chuỗi liên hoàn gần như không có trách nhiệm với nhau; chuỗi ngành hàng bị “cắt đoạn”.
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng hiện nay nông dân trồng lúa IR50404 nhiều, nên khó tiêu thụ?
VFA đổ lỗi do chất lượng gạo phẩm cấp thấp quá nhiều như giống IR50404 nên khó mua. Nhưng theo tôi, cần phải có câu hỏi ngược lại: Vậy gạo chất lượng cao VFA mua không? VFA đổ lỗi, tất nhiên nông dân có lỗi, vì ngành nông nghiệp khuyến cáo nhưng nông dân không tuân theo. Nông dân sản xuất rồi bị… đổ lỗi, ngành nông nghiệp thấy xót xa. Lúa chất lượng thấp quá nhiều, vậy mua tạm trữ là mua lúa gạo nào? Điều này cho thấy VFA không có kế hoạch trước. Thứ nhất là yếu về năng lực dự trữ; thứ hai là không đủ tiền mua, đầu tư hệ thống phơi sấy, kho tàng không đủ.
- Từ thực tế sản xuất như vậy, để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, theo tiến sĩ, chúng ta nên thắt chặt mối liên kết “4 nhà” theo hướng nào?
Chính phủ và ngành nông nghiệp đã thấy vấn đề này. Liên kết vùng và liên kết “4 nhà” để chủ động ứng phó với lũ, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt là việc cấp bách. ĐBSCL có 7 vùng sinh thái, cần phân định từng vùng trồng giống lúa thích hợp gắn với mục tiêu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tiếp theo, liên kết tổ chức lại sản xuất. Nông dân sản xuất nhỏ ở ĐBSCL còn nhiều, gắn với tâm lý trồng đủ ăn, dư bán. Lúa hàng hóa IR50404 nhiều do nằm trong những hộ sản xuất nhỏ này. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng nông hộ nhỏ mà họ phải ký hợp đồng với diện tích lớn. Ở một số nước, doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất; còn doanh nghiệp không đặt hàng, nông dân bỏ đất trống. Doanh nghiệp phải đặt hàng cụ thể. Như giống lúa thơm năm 2011, xuất khẩu 400.000 tấn gạo thì năm 2012 diện tích bao nhiêu… trên cơ sở đó nông dân tổ chức lại sản xuất.
Tôi nghe câu chuyện một số người nước ngoài khoái ăn gạo Việt Nam mà không biết vui hay nên buồn. Người nước ngoài cho là ăn gạo tươi, mới tháng trước lúa còn ở ngoài đồng ruộng Việt Nam, nay gạo xuất tới mình rồi. Một số nước, người ta chế biến trữ, trông chờ thời cơ, giá cả dự đoán, dự báo... lúc nào cao nhất mới bán. Có như vậy mới tránh được tình trạng trúng mùa, rớt giá. Ở Việt Nam, năm nào cũng biết sản lượng nhưng không làm, “khóc than” để nhà nước cho mua tạm trữ. Quyền lợi nông dân và doanh nghiệp không gắn kết với nhau, ngành sản xuất nào cũng thế cả!
- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về chính sách đầu tư cho cây lúa hiện nay?
Trong những năm qua, Nhà nước đã có những chủ trương quan trọng, nhất là đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn rót vào nông nghiệp rất lớn. Nổi bật là đầu tư cho hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện... Nhờ hệ thống thủy lợi tốt đã xả phèn, rửa mặn, tăng diện tích đất trồng lúa. Nhưng trong từng thời điểm cũng có vấn đề tôi băn khoăn. Như năm 2011, chúng ta tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3, để rồi phải huy động lực lượng quân đội, công an để bảo vệ đê, tại sao? Bởi đã có khuyến cáo trồng lúa trong vùng đê bao nhưng một số địa phương mới đầu tư bờ bao mà đã trồng lúa nên chuyện “bể bờ” là đương nhiên, cần tính toán đầu tư lại cho hợp lý.
Xét về tổng thể, tỷ lệ đóng góp ngành nông nghiệp cho GDP cả nước 20%-25% nhưng đầu tư lại ở ngưỡng dưới hai con số, ít quá! Xét đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là chưa xứng tầm nên khoảng chênh lệch giữa thành thị và nông thôn quá lớn. Đó là điểm yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, dân trí còn thấp. Đời sống nông dân càng lúc càng khó khăn. Đất trồng lúa ngày càng manh mún…
Một nghịch lý là chúng ta đầu tư cho nông nghiệp “ngược chiều”: Các nhà khoa học có ý tưởng về sản xuất giống lúa, rồi xin tiền Nhà nước nghiên cứu, báo cáo thành công đưa cho nông dân sản xuất, có gì bán nấy. Ở một số nước, tại sao viện nghiên cứu nằm trong công ty? Vì viện nghiên cứu này nằm bắt thị trường rồi mới đặt hàng cho nhà khoa học. Các nhà khoa học mới làm theo đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp cho nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp về chất lượng, sản lượng.
- Nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng vẫn còn rất manh mún. Theo tiến sĩ, làm thế nào để hiện đại hóa sản xuất, nông dân trồng lúa yên tâm với nghề nông?
Trước tiên phải tổ chức lại sản xuất bằng cách hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn. Chuyện dồn điền, đổi thửa còn rất khó do tập quán của nông dân. Bộ NN-PTNT phát động mô hình “nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn” rất hay. Chúng ta gọi “Cánh đồng mẫu lớn” là ở giai đoạn làm thử, làm tốt sẽ nhân ra vùng chuyên canh. Trên cánh đồng lớn này mới đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc thay sức lao động, đảm bảo kỹ thuật tạo chất lượng cao và đồng đều. Lúc này nông dân sẽ trồng lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư kèm theo các điều kiện: sản xuất giống gì, dư lượng thuốc trừ sâu ở mức nào, lượng phân, phải ghi chép chỉ dẫn địa lý... khi sản lượng lớn, chất lượng đồng đều mới tiến đến làm thương hiệu. Đây là cơ sở để tăng giá trị hạt gạo.
Thương hiệu phải do chính doanh nghiệp làm chứ không phải nông dân hay nhà nước. Khi đầu tư doanh nghiệp sẽ biết được sản lượng gắn với những toan tính về phơi sấy, kho trữ... và cần chào hàng với đối tác. Thực hiện được điều này, nông dân và doanh nghiệp mới thực sự là một chuỗi. Lâu nay ta nói liên kết “4 nhà” nhưng thực chất hai nhân tố quan trọng nhất trong chuỗi liên kết này là nông dân và doanh nghiệp.
Theo tôi, nông dân và doanh nghiệp cần liên kết làm cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng chuyên canh gắn với tiêu chuẩn Viet GAP để tạo ra thương hiệu như Gạo trắng Cần Thơ, hoặc Jasmine Cần Thơ. Người tiêu dùng khi dùng gạo có thương hiệu đúng khẩu vị, khi đó gạo có thương hiệu sẽ dễ tiêu thụ như Nàng thơm Chợ Đào... Muốn làm như vậy hàng hóa phải đồng chất.
Ngoài ra, cần đầu tư đúng mức cho hệ thống giao thông nông thôn. Cần có những chính sách thích đáng để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa nông thôn, gắn với các cơ sở chế biến nông sản để giải quyết việc làm cho nông dân, giúp một bộ phận nông dân “ly nông bất ly hương”. Những cụm chế biến này mới làm nông thôn khởi sắc. Sản phẩm làm ra được nâng cao giá trị thêm chứ không dừng lại bán thô nữa. Ví dụ thay vì chỉ tập trung xuất khẩu 7 triệu tấn gạo (khoảng 14 triệu tấn lúa) trong năm 2011, chúng ta cần có giải pháp tinh chế lại những sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Tối ưu hóa chất lượng gạo xuất khẩu để mang lại hiệu quả cao nhất, nâng cao chất lượng giảm bớt lệ thuộc vào số lượng... Đây cũng là một cách làm để rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Cao Phong thực hiện