Chủ đề diễn đàn năm nay là nông dân với chuyển đổi số, đặt ra vấn đề rất mới, tưởng như khó khả thi ở người nông dân “chân lấm, tay bùn”.
Theo nhiều chuyên gia, “số hóa” với người nông dân không cần phải là những khái niệm rộng lớn, trừu tượng mà đơn giản là làm sao để người nông dân biết sử dụng điện thoại smartphone, máy tính có kết nối internet… để quảng bá, chào bán “mớ rau, con cá” hay bất cứ nông sản nào làm ra.
Không chỉ những người làm ra nông sản, hiện nay, chính các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận ra sức mạnh của chuyển đổi số, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến đối với thị trường nông sản. Những năm gần đây, tư lệnh các ngành, lãnh đạo các địa phương đều quan tâm hơn, trực tiếp xuống từng vựa nhãn, vựa xoài… để cùng nông dân, doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, mở các gian hàng trực tuyến. Gần đây, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) còn có sáng kiến cùng các “sàn” xuống tận vườn tập huấn cho bà con cách chụp ảnh, đăng hình lên trang web, “livestream” bán hàng online… theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và được nhìn nhận là mang lại hiệu quả “trông thấy”.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới dự báo quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Theo khảo sát của Bộ Công thương, riêng năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Năm 2021, con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều khi mua sắm online trở thành nhu cầu lớn trong đại dịch. Sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng và những chính sách mở đường của Nhà nước đòi hỏi người nông dân phải được tập huấn về chuyển đổi số để đón bắt thời cuộc.
Ở cấp độ cao hơn, có lẽ, chuyển đổi số không chỉ là giúp nông dân biết cách “bán hàng qua mạng” mà phải hướng tới ứng dụng công nghệ vào quản lý cơ sở dữ liệu, vận hành dây chuyền sản xuất, truy xuất chất lượng nông sản, ký kết hợp đồng điện tử, giao dịch không cần dùng tiền mặt... Muốn làm được điều đó không thể để nông dân “tự bơi” mà cần sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước, để người nông dân có thể tận dụng được những thành quả khoa học kỹ thuật mới nhất cho nông nghiệp. Ở Thái Lan mới đây, các doanh nghiệp đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ sáng tạo những phần mềm giúp theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trái, xác định thời điểm thu hoạch… đảm bảo năng suất, chất lượng mà tiết kiệm chi phí. Các loại nông sản, thực phẩm ở Nhật Bản luôn có giá bán cao vì áp dụng triệt để khoa học công nghệ.
Rõ ràng, để đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp như các nước, cần phải có những tư duy đột phá, không chỉ ở người làm ra nông sản mà cả người làm chính sách.