“Nóng” lại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

Đến nay, dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới -  Thanh Đa đã “treo” gần 20 năm. Đây là một trong những “kỷ lục” về quy hoạch “treo” tại TPHCM. Chính vì vậy, thông tin về việc Chính phủ cho phép TPHCM chủ động chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã làm cho câu chuyện về dự án này… “nóng” lại sau một thời gian dài chờ đợi.
“Nóng” lại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

Đến nay, dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới -  Thanh Đa đã “treo” gần 20 năm. Đây là một trong những “kỷ lục” về quy hoạch “treo” tại TPHCM. Chính vì vậy, thông tin về việc Chính phủ cho phép TPHCM chủ động chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã làm cho câu chuyện về dự án này… “nóng” lại sau một thời gian dài chờ đợi.

Một góc khu Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: THANH TÂM

Một góc khu Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: THANH TÂM

Ngày 6-9-2011 trong Công văn số 46/TTg-KTN gửi UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý cho thành phố lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa như đề nghị của UBND TPHCM.
Trước hết về phía lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ thực hiện dự án với các mục tiêu rõ ràng. Đích nhắm ở đây là việc xây dựng một khu đô thị mới có chất lượng cao, hiện đại, đồng bộ, ngang tầm khu vực.
Lãnh đạo thành phố cũng giao các sở, ngành xác định thời gian thực hiện, nghĩa vụ tài chính cũng như đánh giá được năng lực thực hiện của nhà đầu tư. Riêng Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Bình Thạnh lập nhiệm vụ đầu bài, xác định các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể của dự án, sớm trình UBND TPHCM xem xét.

Với người dân ở đây là tâm trạng vui xen lẫn băn khoăn lo lắng. Bà Lưu Thị Chỉ, ngụ tại số nhà 469 đường Bình Quới, tổ 20 phường 28 chia sẻ: “Dự án được triển khai, tôi rất mừng. Nói thật, dự án “treo” lâu quá, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là không được xây nhà mới, nhà cũ, xuống cấp thì không được sửa chữa. Nhà có thêm nhân khẩu cũng không thể tách hộ ra xây nhà mới. Sau này Nhà nước cho sửa chữa nhẹ nhưng cũng không giải quyết hết được những khó khăn của người dân ở đây. Nhất là khi vùng Bình Quới - Thanh Đa rất hay bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao làm các công trình xây dựng rất mau xuống cấp.

Nếu dự án được triển khai, người dân mong muốn được đền bù nhanh để sớm ổn định cuộc sống. Việc đền bù phải thỏa đáng và có xem xét đến tính “lịch sử” của dự án. Đó là quy hoạch “treo” đã quá lâu, rất nhiều người dân mất đi cơ hội được hoàn thiện giấy tờ nhà như luật định. Yếu tố này cần được xem xét khi áp giá đền bù nhà, cửa, đất đai cho dân”.

Vài nét về dự án Bình Quới - Thanh Đa

Dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nằm gần như trọn vẹn trong phường 28 của quận Bình Thạnh với diện tích hơn 400ha. Dự án có những “cột mốc” đáng nhớ như sau:

– Năm 1992, TPHCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là một “Việt Nam thu nhỏ” với mục đích đây sẽ là “khu văn hóa - thể thao - du lịch” nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách trong, ngoài nước.

– Tháng 12-2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là “khu du lịch - văn hóa - giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố”.

– Tháng 6-2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng “khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa”.

– Tháng 12-2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tháng 6-2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TPHCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch: khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

– Tháng 1-2006, TPHCM xác định cụ thể khu Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9.

TÂM ĐỨC

SƠN LAM


Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM Trần Chí Dũng: Chọn được nhà đầu tư làm toàn bộ là tốt nhất

° PV: Với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND TPHCM về quy hoạch và kiến trúc, theo ông, thành phố cần một nhà đầu tư như thế nào để có được đô thị Bình Quới - Thanh Đa như kỳ vọng?

° Ông Trần Chí Dũng: Tìm được nhà đầu tư lớn, có khả năng làm toàn bộ dự án theo đúng quy hoạch được thành phố phê duyệt là tốt nhất. Chúng ta đã có bài học trong việc phát triển đô thị ở Phú Mỹ Hưng. Một nhà đầu tư có năng lực chuyên môn và tiềm lực kinh tế sẽ biết đầu tư như thế nào cho tốt. Tuy nhiên, trong lúc kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, việc tìm được nhà đầu tư lớn không dễ. Ở tình huống “bất khả kháng”, ta có thể cho phép nhà đầu tư, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phần kinh doanh nhà ở, họ không cần phải xây mà bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp hoặc trực tiếp người tiêu dùng. TPHCM chỉ cần quản lý tốt việc xây dựng theo quy hoạch và chất lượng công trình theo luật định là được.

° Thanh Đa - Bình Quới là vùng đất trũng và thấp, ông nghĩ mô hình đô thị nào sẽ phát triển phù hợp trên vùng đất này?

° Theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007, đây sẽ là đô thị sinh thái: nghỉ dưỡng - văn hóa - giải trí hiện đại rộng khoảng 400ha. Trong đó khu ở rộng hơn 90 ha với khu dân cư mới có hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị đồng bộ nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên.

Ở đây, khu nhà cao tầng chỉ chiếm diện tích khoảng 18 - 20ha, tức gần 21% tổng diện tích đất ở và sẽ được xây dựng với hình thức nén để dành diện tích cho cây xanh. Khu biệt thự - nhà vườn chiếm khoảng 20ha, tức 22% tổng diện tích đất ở và khu tái định cư rộng 18,4ha… Khu trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch rộng hơn 134ha. Khu cây xanh, sinh thái và bảo tồn thiên nhiên rộng 105ha…

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch này cũng đã phần nào nói lên quan điểm của thành phố trong việc phát triển đô thị ở đây. Thiên nhiên được lưu giữ và phát triển với một diện tích rất lớn. Nhà cao tầng không nhiều mà chủ yếu là nhà thấp tầng, phù hợp với thiên nhiên và nền địa chất yếu. Có thể sau này TPHCM sẽ phải bàn bạc lại với nhà đầu tư về nhiệm vụ quy hoạch cũng như đồ án quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa để lắng nghe thêm ý kiến của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng quan điểm về một đô thị sinh thái là xuyên suốt và hợp lý nhất.

° Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, nhà đầu tư được chọn sẽ phải lo kinh phí và lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 xây dựng Bình Quới - Thanh Đa. Mặc dù đồ án quy hoạch sẽ được UBND TPHCM xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, là người làm và là người chi tiền, liệu nhà đầu tư có thể hướng mạnh đồ án quy hoạch có lợi cho mình thay vì phải tôn trọng cả quyền lợi thành phố, người dân?

° Đồ án quy hoạch do nhà đầu tư lập sẽ được thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch mà thành phố xây dựng. Đồ án xong, các sở, ngành chuyên môn của thành phố sẽ thẩm định. Tôi tin rằng, qua các bước thực hiện đầy đủ như thế, nhà đầu tư khó có thể làm “lệch” đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 theo hướng có lợi cho mình.

° Hiện nay ở Bình Quới - Thanh Đa đã có khá nhiều dự án xây dựng khu dân cư nhỏ lẻ được giao đất. Theo ông, các dự án này sẽ được xử lý như thế nào nếu thành phố tìm được nhà đầu tư lớn, đầu tư toàn bộ khu đô thị này mà ông cho là giải pháp hay nhất?

° Ở góc độ quy hoạch tôi cho rằng cần phải rà soát lại toàn bộ các dự án ấy. Dự án nào phù hợp với quy hoạch thì cho tồn tại và ngược lại. Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ đề xuất quan điểm này với UBND TPHCM.

Quy hoạch giao thông kết nối đến Bình Quới - Thanh Đa

Theo nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt năm 2007, dự kiến sẽ có 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm thành phố với Bình Quới - Thanh Đa. Cây cầu thứ nhất xây dựng ở khu vực phường Thảo Điền quận 2 và cây cầu thứ hai xây dựng ở phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức. Từ khu vực cầu ở phường Thảo Điền sẽ xây dựng một đường nối đến đường Bình Quới và bến đò Bình Quới lộ giới 30m. Ngoài ra, dự kiến sẽ nghiên cứu thêm một số cầu vượt sông Sài Gòn kết nối Bình Quới - Thanh Đa với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

S. L

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục