Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bến Tre ngày càng khởi sắc
SGGPO
Bến Tre đã xây dựng được 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành 67 tổ hợp tác, 24 HTX, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,14 triệu đồng năm 2008 lên 31,15 triệu đồng năm 2017
Ngày 17-9, Tỉnh ủy Bến tre tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và sơ kết các Nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Bến Tre đã xây dựng được 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành 67 tổ hợp tác, 24 HTX, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,14 triệu đồng năm 2008 lên 31,15 triệu đồng năm 2017.
Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀM LUÔNG
Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại hội nghị cho biết, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa triển khai thực hiện, các nội dung tập trung chỉ đạo gồm: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh..., đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, việc vận dụng và cụ thể hóa nghị quyết ở một số nơi còn hạn chế, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thật sự an tâm, còn băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn hạn chế, giá cả hàng hóa nông sản không ổn định, liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp nói chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa ổn định, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Qua thực hiện các nghị quyết, sản xuất nông-lâm-thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hưởng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung: lúa, dừa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn cho công nghiệp chế biến.
Diện tích lúa, mía giảm dần để chuyển sang trồng dừa và các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Diện tích cây ăn trái giảm do phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao (nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh,…), sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch.
Dừa xiêm xanh của Bến Tre đã được công nhận chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị ngành dừa. Ảnh: HÀM LUÔNG
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng được 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hình thành 67 tổ hợp tác, 24 HTX, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,14 triệu đồng năm 2008 lên 31,15 triệu đồng năm 2017.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và các Nghị quyết của Tỉnh ủy bước đầu đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân tỉnh nhà.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và thực tiễn đang đặt ra từ cuộc sống, đòi hỏi các cấp các ngành phải quyết liệt và năng động hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
“Nếu không thay đổi được tư duy của người nông dân, thì không thể thay đổi được tập quán sản xuất. Và khi nghị quyết chưa bước vào cửa nhà của người nông dân, thì nghị quyết đó không thể thực hiện thành công”, đồng chí Võ Thành Hạo nhấn mạnh.