Gần nhất là trường hợp diễn viên Y.T.N tuyên bố trên trang cá nhân sẽ khởi kiện “hot girl tai tiếng” N.98 và những cư dân mạng đã chỉ trích, tung tin sai sự thật về cô suốt những ngày qua. Nguyên do là sau vụ N.98 và bạn trai là ca sĩ L.B.Q bị hành hung, bằng những lời comment phía dưới bài viết của mình, N.98 đã cáo buộc Y.T.N là “thủ phạm”, đồng thời cùng với một số tài khoản mạng xã hội khác buông lời mạt sát Y.T.N.
Trước đó, dư luận ồn ào bởi vụ việc nghệ sĩ T.T truy tìm chủ nhân tài khoản mạng xã hội đã quy kết anh sử dụng “hàng cấm”. T.T đã đến tận nhà 2/3 chủ tài khoản để làm việc và công bố trên trang cá nhân của mình, sẽ thống kê toàn bộ thiệt hại mà anh phải chịu sau tin đồn trên, sau đó sẽ tiến hành khởi kiện. Dư luận hầu như rất đồng tình với thái độ dứt khoát của T.T để phần nào giảm bớt sự hung hăng, rảnh rỗi của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Từ hai câu chuyện trên phản ánh thực trạng nhiều người sử dụng mạng xã hội nhưng không hề ý thức được việc phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, không thể dễ dàng bình phẩm, quy chụp về nhân cách người khác trên mạng xã hội với thái độ thách thức. Khoan bàn đến chuyện ai đúng - ai sai trong những câu chuyện trên, bởi đó là chuyện cá nhân của những người trong cuộc, nhưng sử dụng mạng xã hội xúc phạm người khác, hay để “khác người”, là hành động không thể chấp nhận được.
Có một sự thật là nhiều người nổi tiếng hiện nay không dùng mạng xã hội, dù đây là kênh tương tác với người hâm mộ. Ngay những ngôi sao nổi tiếng thế giới cũng nói không với mạng xã hội, vì không muốn bị lôi vào những chuyện không đâu. Eminem, một trong những nghệ sĩ hip hop đẳng cấp nhất, từng nói: “Nếu biết dùng, có lẽ tôi sẽ ngồi cả ngày trước thứ vớ vẩn đó và đọc những bình luận về tôi, như thế sẽ rất dễ nổi điên”. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất nhiều người vẫn chọn mạng xã hội để tương tác với người hâm mộ. Trang cá nhân nhiều nghệ sĩ có dấu tích xanh chính chủ, thường có bộ phận truyền thông quản lý riêng, nên họ càng chuyên nghiệp và có nhiều thời gian hơn khi dễ dàng phát hiện những trang mạng nói xấu, bôi nhọ hoặc bình luận vu khống trên các mạng xã hội. Khi mọi thứ đã đi vào guồng xoay của sự chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ không có chỗ cho sự nông nổi. Ấy vậy nhưng nhiều bạn trẻ đang sử dụng mạng xã hội cứ tưởng những bình luận quá khích của mình có thể được bỏ qua dễ dàng.
Khi hỏi một nhóm bạn trẻ là sinh viên, họ lên mạng xã hội để làm gì, đáng ngạc nhiên khi phần lớn các bạn trả lời, chọn cách lên mạng, vào trang của những người nổi tiếng để bình luận chơi cho vui. Trong 4-6 giờ sử dụng mạng xã hội mỗi ngày, một bạn trẻ dành phần lớn thời gian để vào các trang của người nổi tiếng “cà khịa”, thì hậu quả họ nhận lại sẽ là gì? Xin đừng nông nổi khi mọi thứ đều đang được kiểm soát bằng pháp luật nghiêm minh.