Nông sản lại ùn ùn lên cửa khẩu phía Bắc

Thông tin từ tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, số lượng xe chở nông sản (chủ yếu là trái cây) lên các cửa khẩu phía Bắc gia tăng trở lại, đối mặt nguy cơ ùn tắc. 
Xe chở hàng hóa, nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đầu tháng 1-2022
Xe chở hàng hóa, nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đầu tháng 1-2022

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) Lê Văn Thắng cho biết, trong khoảng 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, tổng lượng xe hàng hóa chờ xuất khẩu còn tồn đọng ở 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn đã giảm xuống chỉ còn 474 xe.

Từ ngày 3-2 đến 6-2, có khoảng 300 xe được thông quan. Tuy nhiên, từ ngày 7-2 đến nay, lượng xe đưa nông sản lên Lạng Sơn bắt đầu tăng cao sau khi Trung Quốc nối lại hoạt động thông quan sớm hơn kế hoạch. Tính đến chiều 9-2, tổng lượng xe chở hàng hóa chờ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma đã tăng lên hơn 1.600 xe (chưa kể hơn 800 xe tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam - Lạng Sơn).

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 9-2, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Bộ NN-PTNT) Bế Thị Thu Hiền cho biết, đến thời điểm này, các cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản ở khu vực Lạng Sơn như Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma… đều đã hoạt động trở lại sau một thời gian tạm đóng cửa. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo tạm ngưng hoạt động thông quan - kiểm dịch đối với trái cây, nông sản của Việt Nam khoảng 14 ngày trước và sau tết. Tuy nhiên, từ mùng 3 tết, các cửa khẩu đã mở cửa trở lại. Mặc dù vậy, theo bà Bế Thị Thu Hiền, tốc độ thông quan hàng nông sản qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện vẫn rất chậm (mỗi ngày chỉ đạt khoảng 60-100 xe) do phía Trung Quốc vẫn đang thắt chặt kiểm soát dịch Covid-19. 

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà vừa chủ trì cuộc họp với các đơn vị ở cửa khẩu về tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Do năng lực thông quan hàng hóa qua 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma còn rất thấp nên bà Hà đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cùng các cơ quan chức năng tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất phương thức giao nhận hàng hóa giữa hai bên một cách sớm nhất, thống nhất khôi phục hoạt động thông quan ở một số cửa khẩu khác; xây dựng quy trình điều tiết phương tiện hợp lý tại từng cửa khẩu và phải đảm bảo minh bạch trong điều tiết; thiết lập vùng đệm để giữ vững “vùng xanh” an toàn cho khu vực cửa khẩu; các doanh nghiệp cần thiết lập và quản lý đội lái xe chuyên trách; tính toán khả năng dung chứa của các bến bãi, khu vực dừng, đỗ xe chở hàng hóa xuất khẩu, không để xảy ra ùn tắc.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho các địa phương tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu để tránh tái diễn cảnh ùn ứ như cuối tháng 12-2021 và đầu tháng 1 vừa qua.

Liên quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu phía Bắc, Tổng cục Hải quan cho biết, đã triển khai chức năng cảnh báo chống ùn tắc các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu nói chung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để các doanh nghiệp chủ động theo dõi, điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp và người sử dụng chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://www.vnsw.gov.vn để giám sát tại mục “Bản đồ mật độ phương tiện” (cập nhật theo thời gian thực). Tình trạng phương tiện tại các cửa khẩu biên giới được thể hiện theo 4 mức độ: đỏ (hơn 5.000 phương tiện); cam (1.000-5.000 phương tiện); vàng (500-1.000 phương tiện) hoặc xanh (dưới 500 phương tiện).

Tin cùng chuyên mục