Sáng 8-2, UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) tổ chức lễ công nhận xã Hòa An đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là 1 trong 3 xã trên cả nước được Chủ tịch nước chọn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; đồng thời là xã thứ 5 của Đồng Tháp hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này là quá trình 4 năm bền bỉ với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, chung lòng của nhân dân xã Hòa An - những chủ thể thật sự của tiến trình đưa quê mình từng bước phát triển, đi lên.
Cùng với cả nước, Đồng Tháp đang triển khai rộng khắp ở 119 xã xây dựng nông thôn mới. Thông qua đó, Đồng Tháp yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gắn với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững. Đến nay, Đồng Tháp đã xây dựng được gần 87.000ha lúa theo mô hình “cánh đồng liên kết”; thu hút 18 doanh nghiệp đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, Tập đoàn phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) đã ký thỏa thuận với Đồng Tháp về hợp tác công tư (PPP) phát triển 20.000ha đất lúa theo hướng cơ giới hóa; đẩy mạnh hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản… để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp trong tỉnh được các ngân hàng đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng để phát triển lúa gạo và cá tra theo “chuỗi giá trị”.
Chúng tôi cho rằng: “Nông thôn mới là một hành trình chứ không phải là đích đến”, bởi mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao cuộc sống người dân, mà yêu cầu của người dân thì ngày càng cao, không chỉ là vật chất mà còn tinh thần. Khi bắt đầu triển khai chương trình, Đồng Tháp đặt ra nhiều vấn đề như: nông thôn mới không chỉ là con đường mới, cây cầu mới, mà là sự thông thương hàng hóa, nông sản; không chỉ là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học, là không để học sinh không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; không chỉ là trạm y tế mới mà là thái độ phục vụ của người thầy thuốc, là môi trường an toàn dịch bệnh; không chỉ là nhà văn hóa mới mà là hoạt động văn hóa, học tập, sinh hoạt của cộng đồng dân cư; không chỉ là ngôi nhà kiên cố mới mà là gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc. Và nhất là không phải là trụ sở làm việc mới với các phương tiện làm việc hiện đại, mà chính là thái độ phục vụ mới, lề lối làm việc mới của cả hệ thống chính trị cấp xã - cấp gần dân nhất.
Để thực hiện những phần việc trên đòi hỏi người cán bộ phải luôn làm mới chính mình; phải ý thức rằng mình “phục vụ” dân chứ không phải quản lý dân; phải chú ý từng lời ăn tiếng nói với người dân; phải biết chắt chiu, trân trọng sự đóng góp của người dân; phải hiểu rằng hôm nay đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có tiêu chí mức sống của người dân đã được nâng lên, nhưng chắc không khó để thấy rằng đâu đó còn nhiều mảnh đời nghèo khó, đầy thương cảm. Còn bao nhiêu cháu không được đến trường vì phải bươn chải mưu sinh? Còn bao nhiêu người già cả, neo đơn, đang đeo đẳng trong người những căn bệnh hiểm nghèo? Còn bao nhiều hộ thoát nghèo nhưng chỉ một rủi ro nhỏ thì sẽ tái nghèo trở lại? Nói điều này để mỗi cán bộ cùng suy ngẫm và đừng quá lạc quan, đừng tự mãn với thành tích này, chuẩn nọ… mà phải cùng ngồi lại xem còn bao nhiêu việc phải làm, ai làm, khi nào làm?
Hãy hành động bằng tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và với tấm lòng thiện nguyện của người với người. Đừng đề ra mục tiêu xa vời, những lý thuyết khuôn sáo, mô hình cũ kỹ “trồng cây gì, nuôi con gì” nữa. Hãy đề ra từng phần việc hết sức cụ thể, có tiến độ, có kiểm tra, có sự tham gia góp ý, giám sát của người dân. Hãy bước ra khỏi khuôn viên trụ sở làm việc để đến với bà con mình để “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; cùng nhau chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch và vững mạnh, năng động và hiệu quả, thân thiện và cầu thị.
LÊ MINH HOAN
(Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)