NSND Đặng Thái Sơn và những cái đầu tiên

NSND Đặng Thái Sơn và những cái đầu tiên

Vào tối 1-12, tại Nhạc viện TPHCM, NSND Đặng Thái Sơn đã có buổi gặp mặt thân tình, chia sẻ cùng giới báo chí những tâm tư, tình cảm, sự tất bật của công việc biểu diễn, giảng dạy, mối quan tâm của ông dành cho âm nhạc hàn lâm - lĩnh vực nghệ thuật trình diễn và đào tạo piano, cũng như niềm tin tưởng của ông dành cho các tài năng trẻ Việt Nam.

NSND Đặng Thái Sơn

NSND Đặng Thái Sơn

Trong khuôn khổ Festival Piano 2013 do Nhạc viện TPHCM tổ chức, diễn ra từ ngày 2-12 đến 7-12, NSND Đặng Thái Sơn trình diễn đêm khai mạc vào tối 2-12 với chương trình “Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới Thế kỷ 20” và chủ trì lớp học nâng cao về kỹ năng biểu diễn dành cho các bạn học sinh, sinh viên piano xuất sắc.

Ông chia sẻ: “Mỗi lần trở lại TPHCM lại có những ấn tượng khác nhau. Lần này, tôi vinh hạnh khi được tham gia biểu diễn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cùng các bạn sinh viên học sinh tại Festival Piano 2013. Tại liên hoan, tôi thực hiện 3 cái lần đầu tiên khá thú vị, đó là lần đầu tiên biểu diễn chương trình Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới Thế kỷ 20 với những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam - “Người đi đâu?” của Đỗ Hồng Quân và “Chùm hoa Việt Nam” của Đặng Hữu Phúc.

Đây cũng là lần đầu tiên tôi chọn trình diễn tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam có tính hệ thống, chứ không diễn lẻ tẻ như trước đây đã từng diễn tại các nước. Việc chọn biểu diễn hai tác phẩm này trước hết là vì tình xưa nghĩa cũ - Đỗ Hồng Quân và Đặng Hữu Phúc là hai bạn học, thân tình với tôi từ thời trai trẻ, lúc ở Nga và Nhạc viện Hà Nội. Sau nữa, đây là những tác phẩm âm nhạc chất lượng, được sáng tác bởi hai nhạc sĩ đều là pianist giỏi.

Các tác phẩm đáp ứng được chất lượng kỹ thuật sáng tác hiện đại và đồng thời giữ gìn được sự độc đáo rất riêng của âm nhạc Việt Nam, thông qua chất liệu dân ca dân gian, quan họ. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi song tấu piano với nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang để kết thúc chương trình nghệ thuật, màn trình diễn mong muốn giới thiệu đến khán giả một thế hệ nghệ sĩ piano Việt Nam trẻ và tài năng”.

Công việc hiện tại của NSND Đặng Thái Sơn rất tất bật. Để có được sự tham gia biểu diễn của ông tại festival năm nay, Nhạc viện TPHCM đã phải lên kế hoạch từ hai năm trước. Trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp, bên cạnh việc phát huy chuyên môn đỉnh cao của mình là biểu diễn, lưu diễn trong các chương trình nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, NSND Đặng Thái Sơn còn bận bịu với rất nhiều công việc như: đầu tư thời gian và công sức cho việc giảng dạy tại Trường Đại học Montréal - Canada, đứng lớp các khóa học âm nhạc mùa hè ở nhiều nước, làm ban giám khảo các cuộc thi piano quốc tế, thu băng đĩa…

Với lịch làm việc dày đặc như thế, việc di chuyển của ông mỗi khi đi về Việt Nam khá khó khăn. NSND Đặng Thái Sơn tâm sự: “Cuộc sống và công việc lưu diễn nay đây mai đó cũng tạo cho tôi nhiều áp lực. Có thể nói, đôi khi, khán giả thưởng thức chương trình nghệ thuật mà không hề biết được trạng thái, tinh thần, tình cảm, sức khỏe của người nghệ sĩ trình diễn như thế nào. Công chúng chỉ cần biết, trong đêm nhạc, người nghệ sĩ diễn hay hay dở để khen chê thôi. Trong khi đó, nhớ lần tôi sốt cao tại Tokyo nhưng vẫn phải trình diễn trọn vẹn một đêm nghệ thuật. Trước giờ diễn, tôi phải vào bệnh viện chích một mũi thuốc hạ sốt, sau đó lại chích thêm một mũi thuốc tăng lực để có đủ sức lên sân khấu”.

Bộc bạch thêm, mỗi lần về Việt Nam trình diễn, NSND Đặng Thái Sơn lại cảm thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Ông mong muốn có nhiều dịp về nước hơn nữa để có thể thực hiện tốt hơn nguyện vọng yêu thích giảng dạy, được truyền đạt nhiều hơn những cảm xúc và kinh nghiệm nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ. Ông nhận thấy trong nước có rất nhiều tài năng piano trẻ cần được đầu tư và phát triển hơn nữa. NSND Đặng Thái Sơn cũng khẳng định mình mong chờ rất nhiều đối với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam - thế hệ kế thừa và phát huy các giá trị nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, đặc biệt ở lĩnh vực trình diễn piano.

Theo ông, thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được học âm nhạc chính quy. Âm nhạc bác học ở Việt Nam rất cần được phát huy vai trò rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng thông qua những chương trình biểu diễn đặc biệt mang tính chất quần chúng hóa, hoặc các chương trình piano picnic… trình diễn những tác phẩm ngắn, dễ hiểu, kết hợp với hình thức trò chuyện, giao lưu giữa khán giả và nghệ sĩ. Đây là những hình thức trình diễn nghệ thuật đã và đang rất được ưa chuộng, được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới, giúp lôi kéo và xây dựng một đội ngũ khán giả tiềm năng, yêu thích nghệ thuật âm nhạc cổ điển.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục