NSND Trần Phương - Một diễn viên tài hoa, một đạo diễn tâm huyết

NSND Trần Phương, do tuổi cao, sức yếu đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 91 tuổi, để lại nhiều tiếc thương đối với gia đình, đồng nghiệp, khán giả mến mộ.
NSND Trần Phương
NSND Trần Phương

Chiều 30-8, từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, lễ viếng NSND Trần Phương diễn ra tại Nhà tang lễ thành phố, số 125 Phùng Hưng, Hà Nội.

Trước đó, NSND Trần Phương, do tuổi cao, sức yếu đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 91 tuổi, để lại nhiều tiếc thương đối với gia đình, đồng nghiệp, khán giả mến mộ.

NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên, được biết đến là một trong những gương mặt diễn viên tài năng kỳ cựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động vì nghệ thuật của mình, NSND Trần Phương để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm với vai diễn A Phủ trong tác phẩm điện ảnh Vợ chồng A Phủ của đạo diễn Mai Lộc.

Ngoài vai diễn này, ông cũng xây dựng nên tên tuổi của mình qua hàng loạt vai diễn khác như: anh Khoa trong phim Chị Tư Hậu, Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Tiệp trong Ngày lễ Thánh, Lực trong Truyện vợ chồng anh Lực

Sau này trở thành đạo diễn, phim ông làm cũng rất có duyên. Giai đoạn 1980-1990, có lẽ ông là đạo diễn miền Bắc duy nhất và đầu tiên tả xung hữu đột vào làm phim ở TPHCM. Thời phim thị trường nở rộ, ông còn là tác giả của nhiều bộ phim ăn khách như: SBC (Săn bắt cướp), Vụ án hồ Con Rùa, Tình ngỡ đã phôi phai, Hai năm nữa anh về…

Ngày xưa khi biết đến điện ảnh, được xem những bộ phim có diễn viên Trần Phương đóng, tôi rất thích và ấn tượng về diễn xuất của ông, nhất là 2 phim Vợ chồng A Phủ và Chị Tư Hậu. Sau này được học chuyên ngành điện ảnh, quan tâm đến giai đoạn phim đen trắng của Việt Nam, tôi càng thú vị hơn với 2 bộ phim kinh điển này.

Có thể nói, thời kỳ đầu của Điện ảnh Việt Nam mà làm được những bộ phim như thế, thật giỏi. Nay những người tham gia chính của bộ phim nói trên hầu hết đã đi về miền thiên cổ. Người cuối cùng ra đi, chính là diễn viên Trần Phương.

Ông là người tính tình hiền hậu, giọng nói nhỏ nhẹ và đam mê công việc. Ông luôn khiến đồng nghiệp kính trọng ở sự sáng tạo, tỉ mỉ, đam mê nghệ thuật và làm việc không mệt mỏi. Năm 2001 ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Sau đó 6 năm, với các phim Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng Hy vọng cuối cùng, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Cũng từ đó đến nay, ông lui về ở ẩn vì không còn đủ sức khỏe rong ruổi với niềm đam mê nghệ thuật.

Vĩnh biệt ông - một diễn viên tài hoa, một đạo diễn tâm huyết với nghề.

NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Tin cùng chuyên mục