NSƯT – nhạc sĩ Thanh Hải sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Được cha truyền dạy những ngón đàn đầu tiên và bắt đầu dấn thân theo nghề cổ nhạc. Sau mấy mươi năm theo nghề, đến nay, anh đàn điêu luyện rất nhiều loại nhạc cụ, nhất là ngón đàn tranh được khán giả cải lương yêu thích. Bên cạnh đó, anh còn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Việt Nam đàn vọng cổ, cải lương bằng nhạc khí organ rất hiệu quả. PV báo SGGP đã có dịp trò chuyện cùng NSƯT – nhạc sĩ Thanh Hải.
* PV: Sân khấu cải lương ngày càng sa sút, các danh cầm – nhạc sĩ ít có cơ hội sáng tạo cho âm nhạc cải lương, anh có cảm thấy chạnh lòng?
* NSƯT – nhạc sĩ THANH HẢI: Thời gian qua, sân khấu cải lương đang thu hẹp dần, sàn diễn ngày một vắng khách, cho nên các “thầy đàn” không có đất dụng võ là lẽ đương nhiên, Tuy nhiên, sở dĩ sân khấu cải lương rơi vào tình trạng này là do suốt thời gian qua những người làm cải lương vẫn mãi loay hoay, không xác định rõ đâu là hướng ra. Lâu nay, nhiều người cứ cho rằng, nhà nước phải đầu tư, thậm chí cả trăm tỷ đồng cho cải lương thì mới mong có sự thay đổi. Nhưng nghĩ kỹ lại, chưa chắc, bởi chẳng lẽ đầu tư tiền tỷ để trả lương, làm tuồng mới phát triển được sao?
Thực tế đòi hỏi đã đến lúc những người làm nghề cần chủ động hơn trong công việc, hãy đầu tư thời gian vào công việc trước rồi hãy đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước. Chúng ta hãy mạnh dạn tìm hướng đi mới cho cải lương, chứ không nên trông chờ vào nhà nước như trước giờ.
* Vậy theo anh, hướng đi mới cho cải lương có thể làm ngay bây giờ là gì?
* Nếu có điều kiện, chúng ta cần huy động nghệ sĩ (cả TPHCM và các tỉnh thành phía Nam) để cùng dành thời gian tập tuồng mới thật tốt rồi công diễn phục vụ khán giả. Với vở diễn đó, có thể diễn ở TPHCM rồi lưu diễn khắp các tỉnh thành và sau cùng ghi hình phát sóng phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ và làm tư liệu. Tôi nghĩ, nếu làm được điều này cả nghệ sĩ, nhạc sĩ lẫn khán giả đều được hưởng lợi rất lớn mà chi phí cũng không tốn kém quá nhiều.
* Qua công việc giảng dạy, rèn ca, luyện nghề những giọng ca trẻ, anh nhận thấy tài năng ca diễn của họ ra sao?
* Khi các giọng ca trẻ chịu khó học, rèn và luyện ca thì sau một khoảng thời gian đều có tiến bộ rõ rệt. Cụ thể ở giải Trần Hữu Trang vừa qua, hầu hết những học viên của khóa đào tạo diễn viên Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật TPHCM và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dự thi đều ca diễn đạt chất lượng đến 70% – 80%. Theo tôi, khi dấn thân vào nghề hát, nghề đàn, muốn giỏi phải luyện hát – luyện đàn, phải dành thật nhiều thời gian cho niềm say mê nghệ thuật của mình, mới mong thành công.
* Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc ngày một giảm sút. Chẳng hạn như một số diễn viên trẻ, ca chưa hay, diễn chưa giỏi mà đã phải gánh vác công việc giảng dạy, anh nghĩ sao về điều này?
* Điều này tôi đã chứng kiến và thật đáng báo động. Tôi nghĩ, khi các trường nghệ thuật mở lớp đào tạo kịch hát dân tộc, trước hết phải chú trọng đến đội ngũ thầy cô giáo giỏi nghề, có nhiều năm kinh nghiệm trên sân khấu cải lương để giảng dạy chứ không thể nào dựa vào đội ngũ sinh viên mới ra trường có mấy năm mà mời gọi, giữ lại trường làm trợ giảng. Khi các thầy cô trẻ thiếu thực tế, thiếu kinh nghiệm và cả vốn sống thì làm sao có thể giảng dạy các bài giảng làm hấp dẫn người học được.
Do vậy, nếu mời gọi được đội ngũ thầy cô giáo như NSND Thanh Tòng, NSƯT Lệ Thủy… thì rất tốt. Chính các nghệ sĩ này sẽ truyền dạy những bài học làm nghề hết sức thực tế và sinh động cho những sinh viên mới học nghề.
ĐỖ HẠNH (thực hiện)