Trong số 6 NSƯT được TPHCM đề cử đặc cách xét tặng danh hiệu NSND đợt này có NSƯT Viễn Châu. Đây là điều hoàn toàn hợp tình, hợp lý, bởi ông rất xứng đáng với danh hiệu cao quý này, cả về tài năng, đức độ, quá trình cống hiến và tâm huyết với nghề. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông.
- PV: Thưa nghệ sĩ, ông có thể chia sẻ một số sáng tác mới những sáng tác này ông viết về đề tài gì?
NSƯT VIỄN CHÂU: Tôi hay viết về những chuyện tình cảm. Bởi vọng cổ đi vào những chuyện tình cảm rất nhẹ nhàng, ru hồn người xem, người nghe. Bài tôi mới viết gần đây là Cung đàn ước lệ, Chị vẫn đợi em về… Trong đó, Chị vẫn đợi em về kể về chuyện tình cảm hai chị em ruột. Lúc chị em còn nhỏ, chị ngồi vá áo dưới trăng, em gái nằm tựa đầu bên cạnh nhưng khi lớn lên, em gái đi lấy chồng ngoại quốc bỏ lại một mình chị ngồi dưới trăng đơn côi…
- Lâu nay, nhiều người muốn biết nghệ danh Viễn Châu của ông bắt nguồn từ đâu?
Quê tôi ở xứ Đôn Châu. Khi anh tôi bị giặc giết chết, mồ mả ông bà bị cày xới, tôi quyết định bỏ đi biệt xứ. Từ đó tôi mới lấy chữ Viễn ghép với chữ Châu của quê hương để đặt nghệ danh của mình.
- Sau lần giã biệt ấy, đến khi nào ông mới tìm về thăm quê?
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước được mấy tháng, tôi có về thăm quê, tất cả đều thay đổi. Tôi không còn nhớ rõ, ngày xưa anh mình đã bị giết, chôn ở đâu nên khi đứng cạnh bờ sông, tôi thắp hương lên một mô đất cầu mong may mắn để linh hồn anh cũng được ấm áp… Mấy năm sau, vào khoảng năm 1982, với nỗi nhớ quê hương da diết, tôi đã sáng tác bài thơ Tình quê hương: Lâu lắm rồi bữa trước/ Mới mười chín tuổi đầu/ Mang nỗi buồn tang tóc/ Ngậm ngùi xa Đôn Châu/ Ngày trở về quê mẹ/ Sao từng bước ngập ngừng/ Phải đâu là viễn khách/ Mà lòng nghe bâng khuâng/ Trông lên hàng cổ thụ/ Vi vút lá vàng bay/ Bâng khuâng mình tự hỏi/ Ai già nua hơn ai/ Bỗng dưng mình chợt nhớ/ Vì đây là quê hương!
- Có vẻ như ông chưa bao giờ chuyển những câu thơ, ý thơ của mình thành những lời ca vọng cổ?
Trước giờ tôi chưa làm điều này nhưng với một gợi ý thú vị như vậy, trước mắt, tôi sẽ chuyển bài thơ Tình quê hương thành bài tân cổ giao duyên để các nghệ sĩ hát chia sẻ với rộng rãi công chúng. Tôi nghĩ, trong cuộc sống của mỗi người, quê hương là một chốn đi về rất đỗi thân quen mà bất kỳ ai cũng nhớ mãi.
- Qua các cuộc thi cải lương, ông nhận thấy các nghệ sĩ trẻ hát vọng cổ ra sao?
Hầu hết các cuộc thi tôi đều theo dõi, mừng là cải lương vẫn còn nhiều người trẻ kế tục. Nhưng thú thật, có nhiều nghệ sĩ trẻ hát vọng cổ điệu đà, làm dáng quá không đúng với cái chất của vọng cổ. Theo tôi, hát vọng cổ phải thật giản dị, nhẹ nhàng giống như những lời mẹ ru, ngọt ngào và êm ái đưa con trẻ vào giấc ngủ say.
- Với kho tàng đồ sộ hơn 2.000 bài vọng cổ, ông có đăng ký bản quyền cho những tác phẩm của mình?
Cách nay hơn 2 năm, có đơn vị làm công tác đăng ký tác quyền tìm đến hướng dẫn, tôi đã đăng ký đầy đủ bản quyền. Nhờ vậy mà khoảng 2 năm nay, cứ 3 tháng, đơn vị này mời tôi lên nhận tiền tác quyền (sau khi trừ thuế, trừ phí) ít nhất là mười mấy triệu đồng, có đợt nào nhiều cũng được 40 triệu đồng. Trước đó, tôi đâu có nhận được đồng cắc nào đâu, mặc dù có rất nhiều nghệ sĩ, đơn vị tổ chức sử dụng bài vọng cổ của mình. Thậm chí có lần, tôi thấy một đài truyền hình ở tỉnh phát những bài ca cổ của mình, liền gửi thư đặt vấn đề tác quyền nhưng rồi chẳng hề nhận được một dòng hồi âm nào.
- Là soạn giả viết vọng cổ cho rất nhiều nghệ sĩ thành danh trong làng cổ nhạc, vậy gần đây ông có gặp lại các nghệ sĩ “ngôi sao” ấy không?
…Đâu có gặp lại ai. Thỉnh thoảng có Lệ Thủy (NSƯT Lệ Thủy – PV) đến thăm hỏi, tặng thuốc men. Có lúc nằm nghĩ ngợi, cái nghề này cũng bạc bẽo thật. Thôi kệ! Nếu ai nhớ cái tình, gặp lại cũng vui. Còn không thì cũng chẳng sao, thoáng chút buồn rồi cũng chóng qua. Chắc cuối năm nay, vợ chồng tôi sẽ chuyển về quận 7 sinh sống, dưỡng già…
| |
Đỗ Hạnh (thực hiện)