Các khu công nghiệp, khu chế xuất đang “khát” lao động có tay nghề, nhưng hàng năm cả nước có hơn nửa triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT đi thẳng ra thị trường lao động mà không được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc. Đó là chưa kể số HS THPT rớt ĐH, CĐ vẫn không mặn mà với học nghề. Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu, từ năm 2010 đến năm 2020, thu hút 30% HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN hay học nghề.
30 năm định hình vẫn “èo uột”
Trong những năm đầu của thập kỷ 80, giáo dục hướng nghiệp (GDHN) đã được đưa vào trường phổ thông. Tuy nhiên, việc học nghề của HS không được quan tâm, nhiều trường tự ý bỏ sinh hoạt hướng nghiệp. Từ những năm 1992 - 1993 trở lại đây, việc chạy đua trong thi cử đã tạo ra tâm lý căng thẳng cho HS. Hoạt động GDHN ngày càng lu mờ, nhường chỗ cho việc học thi. Năm 2006, HS lớp 9, 10, 11, 12 được học hướng nghiệp trong trường phổ thông với thời lượng 3 tiết/tháng. Nhưng đến năm 2008, số tiết học GDHN chỉ còn 1 tiết/tháng.
Theo phân tích của ông Lâm An, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TPHCM, GDHN giúp HS tìm hiểu thông tin cơ bản về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, về thị trường lao động... qua đó HS sẽ có khả năng tự đánh giá năng lực bản thân, đặc điểm nghề và hoàn cảnh gia đình để có sự chọn lựa nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong GDHN chính là đội ngũ GV không chuyên, GV kiêm nhiệm từ những bộ môn khác.
Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng THPT Ngô Quyền, cũng tâm tư: “Giờ hướng nghiệp ở trường phổ thông không đạt chất lượng. Trường không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ngành nghề đa dạng của HS. Bên cạnh đó, GV thiếu thực hành, thiếu kinh nghiệm, chưa cập nhật những thông tin mới về xu hướng, cơ hội, triển vọng của ngành nghề. Mỗi năm trường có hơn 70% HS rớt ĐH, CĐ. Chúng tôi khuyên nhiều HS có sức học trung bình - khá nên vào TCCN nhưng gia đình và bản thân HS vẫn muốn vào ĐH, CĐ cho… sang, học trung cấp chi cho cực khổ! Thực tế TCCN cũng có những nghề không “lấm lem dầu mỡ” như kỹ thuật thiết kế thời trang, tin học, công nghệ thông tin đa phương tiện, kế toán”.
Chính vì lạc hậu thông tin, GDHN không được chú trọng, phân luồng chưa hiệu quả, đã dẫn đến thực tế “thừa thầy, thiếu thợ”.
“Tiếp thị” trường nghề cho học sinh từ bậc THCS
“Lúc đầu thấy bạn bè đậu vào trường cấp 3 em rất buồn. Nhưng sau một thời gian học lớp công nhân sửa chữa điện - điện tử ở Trường TCKT Nam Sài Gòn, em rất hài lòng khi đã chọn đúng đường đi cho mình. Gia đình em cũng rất vui khi được UBND phường và nhà trường hỗ trợ học phí”, em Nguyễn Hữu Lộc, ngụ tại Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8 bày tỏ. Trường hợp của Lộc phân luồng sau THCS thành công “hơi hiếm” so với suy nghĩ của nhiều PHHS cho rằng lứa tuổi THCS còn quá bé bỏng để đi học nghề.
Trưởng phòng Giáo dục quận 8 Triệu Tuấn nói: “GDHN không thể bằng lời khuyên, một vài năm học, mà cần đảm bảo tính liên tục với cách thức giáo dục phù hợp”. Quận 8 gần cảng Phú Định và chợ đầu mối Bình Điền nên luôn cần nhân công có tay nghề làm dịch vụ. Trong khi đó, nhiều gia đình quận 8 khó khăn, do vậy định hướng học nghề phù hợp chính là giúp các em chọn con đường tương lai cho mình. Quận 8 đã xây dựng quỹ hỗ trợ học nghề, HS nghèo được hỗ trợ tài chính học nghề.
Hình thức hỗ trợ học bổng, học phí cho HS nghèo, HS diện chính sách học nghề cũng được các quận khác như Tân Phú, Phú Nhuận, quận 6 triển khai. Theo các quận, HS sẽ chịu “theo luồng” nếu cơ hội nghề nghiệp rõ ràng và không bị áp lực học phí. Các quận này đã “khoanh vùng” đối tượng HS có điều kiện kinh tế khó khăn, hay năng lực học tập từ trung bình trở xuống để tập trung định hướng cho HS vào các trường nghề. Bên cạnh công tác tuyên truyền “đúng người” còn phải “đúng thời điểm”.
Ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục quận Phú Nhuận, kể: Trong 2 năm học 2006 - 2007, quận Phú Nhuận chỉ có 12/412 (chiếm tỷ lệ 2,91%) HS không trúng tuyển 3 nguyện vọng lớp 10 vào các trường chuyên nghiệp. Năm học 2007 - 2008, tỷ lệ này có nhích lên gần 20%, nhưng vẫn còn rất ít. Thất bại trong việc phân luồng là do công tác tổ chức tuyên truyền chỉ có một lần trong năm học. Đối tượng tuyên truyền có yếu tố quyết định là PHHS nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Rút kinh nghiệm vào tháng 3, 4 hàng năm, phòng giáo dục mời đại diện các trường TCCN giới thiệu với PHHS THCS ngành nghề đào tạo, điều kiện tuyển sinh. Tháng 6, các trường TCCN tiếp tục tiếp thị hình ảnh của trường một lần nữa. Công tác phân luồng bước đầu đã có tác dụng, 30,62% HS tốt nghiệp THCS đã vào TCCN.
Nếu phân luồng sau THCS hiệu quả, hàng trăm ngàn HS không phí thời gian và tiền bạc học ba năm THPT để rồi cuối cùng cũng không đậu tốt nghiệp. Trong khi đó, bình quân 80%-90% HS trường TCCN có việc làm sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng (không kể tăng ca). Những khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đang thiếu đội ngũ công nhân lành nghề có kỹ năng và thái độ lao động tốt. Cung - cầu vốn đã chênh nhau, lại thêm khoảng 50% HS sau THCS vào học nghề nửa chừng rồi nghỉ học. Hiệu suất đào tạo của các trường TCCN thấp vì nhiều lý do, song “tiên trách kỷ”, chất lượng đào tạo của các trường chính là động cơ khuyến khích người học toàn tâm toàn ý đi theo con đường các em đã chọn.
* Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ đào tạo theo địa chỉ từ 30% trở lên sẽ được ưu tiên đầu tư. HS lớp 9 khi theo học nghề sẽ được giảm 50% học phí; HS nghèo, HS dân tộc được miễn 100% học phí. * Số lượng trường TCCN trên địa bàn TPHCM phát triển nhanh chóng, từ 12 trường năm 2006 tăng lên 42 trường năm 2009. Tuy nhiên, các trường này mới chỉ thu hút gần 30.000 HS, trong đó hơn 50% là HS các tỉnh, thành khác. (Nguồn: Sở GD-ĐT) |
Hồng Liên