
Dọc theo con hẻm dài hun hút, hầu hết nhà cửa đều khang trang, sạch đẹp, chỉ có một ngôi nhà lụp xụp, từ ngoài nhìn vào tối om om. Người trong xóm cho biết đó là nhà của bà giáo cô đơn vì từ ngày nghỉ dạy đến nay trên mười năm, bà chỉ sống một mình trong căn nhà quạnh quẽ đìu hiu đó.
Suốt ngày bà giáo lụm cụm trong chái bếp, khi nào cần lắm bà mới bước ra đường nhờ người này mua giùm ký gạo, người kia mua cho con cá, mớ rau.
Là giáo viên cấp một, đồng lương quá ít ỏi lại xin về hưu non vì lý do sức khỏe nên về già cuộc sống của bà trở nên khó khăn.
Nghe nói cuộc đời của bà cũng thật đáng thương. Sau khi chồng qua đời, bà phải vắt kiệt sức, vừa đi dạy vừa bán vé số, cùm nụm cùm nịu lo cho ba đứa con tiếp tục đến trường nhưng chẳng đứa nào học hành tới đâu, trừ thằng út học hết cấp ba. Vậy mà khi lớn lên, vừa đủ lông đủ cánh, chúng nó đã tự bay nhảy kiếm sống, chẳng có đứa nào chịu sống chung với bà. Thịnh, con trai đầu lòng lấy vợ ở Vĩnh Long, đứa con gái thì theo chồng về Hậu Giang. Còn Đạt, con trai út lại ở bên nhà vợ tại Sóc Trăng. Rốt cuộc ngôi nhà ruột rà máu mủ ở Cần Thơ, nơi chôn nhau cắt rốn của chúng, chẳng có đứa nào lưu luyến, thậm chí có đứa cả năm mới về thăm mẹ một lần như thăm bẫy rồi bỏ đi, ngay cả ngày giỗ, ngày tết chúng cũng hững hờ vô tâm, chẳng có ai quan tâm đến cội nguồn. Ngược lại, bà thì lúc nào cũng khao khát có một mái ấm gia đình, được gần gũi con cháu để ẵm bồng cháu nội cháu ngoại, nhưng hạnh phúc đó đối với bà bao giờ cũng vuột khỏi tầm tay.
***
Càng về già bà càng cảm thấy thương con nhớ cháu, nhớ se sắt lòng. Mỗi lần hay tin có đứa nào ốm đau bệnh hoạn là bà tìm cách đi thăm mặc dù tuổi già sức yếu.
Thời gian như nước chảy qua cầu, những lúc ốm yếu ho hen, bà lúc nào cũng mỏi mòn trông đợi, nhưng các con của bà thì “Đường về quê mẹ hẹn rầy hẹn mai”, không ai chịu sống chung với mẹ. Người con lớn tuy gia đình khá giả nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện rước mẹ về nuôi đều bị vợ nhùng nhằng, ngoa ngoắt.
Còn cô con gái thì viện lẽ đang sống chung với gia đình bên chồng, nhà cửa chật chội, khó khăn nên việc đưa mẹ về ở chung còn khó hơn lên trời.
Đến lượt người con trai út, tuy có lòng hiếu thảo và thường xuyên gởi tiền nuôi mẹ nhưng cũng “lực bất tòng tâm” vì anh ta đang sống chung với gia đình bên vợ, trăm bề bất tiện.
Đúng là “nước mắt chảy xuôi”, mỗi người đều có lý do chính đáng để từ chối nuôi mẹ già. Cuối cùng cả ba đều chấp nhận đưa mẹ vào Trung tâm nuôi dưỡng người già…

Minh họa: A.Dũng
***
Trước khi dẫn mẹ vào “mái ấm” dành cho người già cô đơn, Đạt đã được ông giám đốc dạy cho một bài học đích đáng về đạo làm người:
- Các anh cứ chạy theo đồng tiền và bị lôi cuốn vào vòng xoáy của thương trường mà quên sự sống chết của mẹ cha, chẳng đoái hoài gì tới việc phụng dưỡng ông bà. Các anh hãy nhớ ở đời có luật nhân quả.
Đạt lặng im không nói một lời. Anh quay về với bao dằn vặt, nhưng biết làm sao bây giờ!
Đúng là áp lực của công việc và cơm áo gạo tiền đã làm cho con người trở nên lạnh lùng, vô cảm. Trong hoàn cảnh trớ trêu của gia đình bà giáo, dù cho Mẫn Tử Khiên trong Nhị thập tứ hiếu sống dậy cũng không thể “Thờ cha sớm viếng khuya hầu” trong cái thời đại @ này. Tất cả họ đều bất lực không tìm được đáp án về số phận của người mẹ. Cuối cùng chỉ có Trung tâm nuôi dưỡng người già mới có thể lấp được khoảng trống cuộc đời của bà.
***
Từ ngày đến Nhà nuôi dưỡng, bà giáo được sống trong một môi trường khá thân thiện, sáng nào cũng tập thể dục, cũng ra sân trồng rau, quét dọn, đi dạo chơi và tha hồ xem tivi, nghe nhạc một cách thoải mái. Có thể nói cuộc sống còn đầy đủ hơn ở nhà, đau có bác sĩ khám bệnh, ăn có người chăm sóc. Nhưng hình như bác sĩ, y tá, chị cấp dưỡng chỉ giúp người già ăn no, mặc sạch, bớt đau đớn về thể xác mà không giải quyết được những nỗi đau sâu thẳm của tâm hồn bà, nhất là những khắc khoải chờ mong về một gia đình đoàn tụ, con cháu đề huề. Chính vì vậy mà lúc nào bà cũng nhớ đến người chồng đã quá cố, nhớ các con, nhớ những ngày ẵm bồng chúng, nhớ đến quay quắt không sao chịu nổi… Thế mới biết khoa học kỹ thuật có thể chế ra đủ loại máy móc tối tân, kể cả máy thăm dò địa chấn, nhưng không thể nào chế tạo được trái tim của người mẹ.
***
Thời gian dằn vặt trôi qua, mặc dù đã được các nhân viên Nhà nuôi dưỡng người già tận tình chăm sóc và an ủi nhưng chỉ được nửa năm thì tinh thần bà từ từ suy sụp, gương mặt héo tàn. Hay tin mẹ bệnh, mấy người con đều đến thăm nhưng người nào cũng dùng dằng chẳng có một “hiếu tử”nào chịu đưa mẹ về mái nhà xưa, nơi mẹ đã cưu mang các con khôn lớn thành người. Trước khi nhắm mắt, bà gọi các con vào trăn trối mấy câu rồi thiếp dần:
- Khi mẹ đi rồi các con hãy đem mẹ đi thiêu và đừng nhận tiền phúng điếu của bất cứ ai…
Thịnh và cô em gái mếu máo khóc, trong vẻ buồn bã, ủ rũ. Các con dâu, con rể trông có vẻ hửng hờ, vô cảm.
Đạt là người có học, anh vẫn biết bên Tây có ngày Mother’s day và Father’s day, còn Việt Nam thì có ngày Vu Lan – ngày bông hồng cài áo, vậy mà anh chưa bao giờ tự cài lên ngực mình chiếc bông hồng màu đỏ và cũng chưa hề xúc động khi nhìn thấy ai cài bông hồng màu trắng. Đến bây giờ tỉnh ngộ thì đã quá muộn!
HOÀI PHƯƠNG