
“Chơi cây cảnh bây giờ là phải chơi những cây khủng được bứng từ rừng sâu núi thẳm về mới hợp mốt, mới là tay chơi, còn chơi ba cái cây vớ vẩn trồng trong chậu là xưa rồi. Phải là sơn trắng vài chục năm tuổi hay chí ít cũng là sộp, si, đa, mà phải được bứng từ rừng về cơ” - Giám đốc một khu du lịch tầm cỡ đã nói như thế. Và để đáp ứng nhu cầu của thượng đế, ở xã Phước Minh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã hình thành một nghề chuyên vào rừng đào cây cảnh cung ứng cho thị trường.
Cả làng “làm cây”

Vận chuyển cây bằng đường biển.
Trong vai một người đi tìm mua cây cảnh, chúng tôi tìm đến thôn Lạc Tiến, thuộc xã Phước Minh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Nơi đây được giới chơi cây cảnh gọi là làng cây cảnh không phải vì dân ở đây chuyên chơi cây cảnh mà vì đây là một địa chỉ chuyên cung cấp các loại cây cảnh có nguồn gốc tự nhiên, từ cây vài năm tuổi đến cây vài chục năm tuổi và số lượng thì bao nhiêu cũng có!
Anh Nguyễn Hay, ngụ ở thôn Lạc Tiến, chỉ cho tôi một cây đa có gốc cỡ hơn một người ôm với giàn rễ phụ chằng chịt và cho biết: “Cây này anh mới bứng về khoảng hơn một tuần và đã ra giá 16 triệu đồng”. Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngừ, anh liền nói như thanh minh: “Để bứng được cây và đem về tận đây, chỉ tính riêng tiền mướn xe cẩu anh đã tốn hết 5 triệu đồng, và còn phải mất đứt một tuần với 5 thanh niên lực lưỡng mới bứng tận gốc “cậu chàng” được”. Anh còn nói thêm, nếu tôi tìm được mối bán thì tiền huê hồng cho tôi là 15%.
Anh Hay chưa phải là “đại gia” trong nghề “làm cây” (đào cây cảnh). Người phải nói đến ở thôn Lạc Tiến này là ông Năm Cù Lao. Nhà ông Năm có 3 người con trai thì cả 3 đều làm nghề đào cây cảnh. Và như lời ông nói, muốn có cây cảnh đẹp thì phải vào sâu trong vùng núi Cà Ron, hay núi Đá Bạc, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng. Hàng của ông phần lớn là cây TagiLao (bằng lăng ổi), một loại cây nở hoa tím rất đẹp và rất lâu tàn.
Tạt vào một quán nước ven QL 1A chúng tôi thấy tại đây có bày đủ các loại cây cảnh đã được vào chậu đàng hoàng. Thôi thì đủ từ me, dầu, cóc, đa, tới sộp, si, bằng lăng… cây nào cũng sù sì, cằn cỗi như để minh chứng cho tuổi cao dầu dãi của mình. Bắt chuyện với anh chủ trẻ tên Minh mới biết các cây này giá không dưới 10 triệu đồng một cây vì chúng đã sống được trong chậu. Để có những cây như vậy, anh Minh phải lặn lội tới vùng rừng giáp ranh với Lâm Đồng mới đào được và để đưa được chúng về đây, mỗi cây anh đã mất gần 1 triệu đồng tiền vận chuyển.
Sau một hồi say chuyện, anh hé lộ cho chúng tôi biết phần nào bí quyết của nghề “làm cây”. Thì ra, để có được một gốc cây sống và hét được giá trên trời không phải là chuyện dễ. Đầu tiên là vào rừng tìm cây. Không biết ngày xưa người ta đi tìm trầm khổ như thế nào chứ cái nghề đi tìm cây cảnh khổ vô cùng vì để tìm được một cây có cả dáng lẫn thế nhiều khi phải cơm đùm, cơm nắm lang thang trong rừng sâu nhiều ngày liền, chứ không dễ như nhiều người vẫn tưởng. Tìm được cây ưng ý rồi thì dùng cuốc hoặc ní (xà ben) để đào, khi đào phải mở miệng hố thật rộng để lấy được nhiều rễ, cắt được phần rễ nào là phải lấy vải ướt bọc lại liền để chúng khỏi mất nước. Khi đào được cây lên phải dùng một cái bao có ủ sẵn đất trộn với tro trấu buộc lại rồi mới tìm cách vận chuyển về.
Đem về đến nhà lại phải chăm sóc đến khi vào chậu, rồi canh chừng cho đến khi cây đâm những chiếc lộc non bé tí, lúc đó mới có thể thở phào nhẹ nhõm vì cây chắc chắn đã sống. Anh Minh cho biết, mới bán cho một khách hàng ở Tây Ninh một xe tải toàn cây bằng lăng. Khi chúng tôi hỏi vận chuyển đi xa mà không sợ kiểm lâm sao, anh cười khì: “Chuyện đó tôi lo, có điều nếu để tôi vận chuyển đến tận nơi thì mỗi chuyến phải trả thêm cho tôi 1,5 triệu đồng nữa, muốn bao nhiêu cũng được…”.
Để tránh việc bị kiểm lâm phát hiện, những người chuyên đi “làm cây” sẵn sàng thuê ghe chở cây bằng đường biển về vùng biển Cà Ná rồi mới vận chuyển lên bờ. Những cây cảnh này thường được bứng từ vùng đụn Sơn Hải (xã Phước Dinh, Ninh Phước), nơi nổi tiếng có nhiều cây sơn trắng cổ thụ có dáng và thế rất đẹp. Hôm chúng tôi đi thực tế để thực hiện bài viết này thì gặp ngay một chiếc ghe chở từ Sơn Hải về Cà Ná 4 cây sơn trắng, mà theo như lời Năm Si (một trùm cây cảnh ở xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận), cây nhỏ nhất tệ lắm cũng có trên chục năm tuổi.
Theo những tay chơi cây lão luyện, mua những loại cây mới được bứng từ rừng về là 5 ăn - 5 thua. Nếu như sau khi mua về mà biết chăm sóc đúng cách, cây sống được thì mỗi cây ít nhất cũng lãi vài ba triệu, còn nếu chết thì coi như thua. Có điều, loại cây sơn trắng này thường khiến nhiều dân chơi cây phải mắc lừa. Lý do là loại cây này mặc dù khi bứng đã lên đã cắt hết phần rễ, nhưng không hiểu vì sao cành lá không bị khô héo ngay mà ít nhất cũng vài ba tháng sau mới héo lá. Đây chính là yếu tố khiến cho nhiều người ham cây đẹp “thua đau” sau khi mua về.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”
Ở Phước Minh hiện “người người đào cây, nhà nhà bán cây” vì người dân canh tác hoàn toàn nhờ vào nước trời, một năm một vụ mà cũng vô cùng bấp bênh. Trước kia thì vào rừng chặt củi hầm than. Nhưng từ khi khu công nghiệp muối Quán Thẻ bắt đầu khởi động thì Nhà nước thu hồi đất giao lại cho khu công nghiệp. Đất đai không còn, chẳng biết làm gì, thôi đành vào rừng đào cây cảnh bán kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con vậy. Thế là rừng ở đây vốn đã tiều tụy nay lại càng tiều tụy hơn.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, người xưa nói chẳng sai bao giờ. Phước Minh nay là vùng trọng điểm hạn hán của tỉnh Ninh Thuận vì rừng có còn đâu mà giữ nước. Cho nên mùa khô thì thiếu nước triền miên, đến nước sinh hoạt cũng phải đi mua, còn đâu nước mà sản xuất! Đến mùa lũ thì lại trở thành một trong những địa phương bị lũ tàn phá nặng nề nhất. Nước tràn nhà, tràn cửa. Sau một mùa hạn hay lũ lụt, Phước Minh bao giờ cũng là một trong những địa phương được Nhà nước cứu trợ khẩn cấp.
Cứ nhìn vào những dãy núi trơ trụi ở khu vực này chúng ta sẽ lý giải được lý do. Thế nhưng, oái ăm thay, người dân ở đây nếu không vào rừng khai thác những nguồn lợi của rừng thì chẳng biết làm gì! Viễn cảnh được vào làm công nhân ở khu công nghiệp muối Quán Thẻ xem ra hãy còn xa vời lắm vì từ khi khởi công cho đến nay đã gần 2 năm trời mà chẳng thấy đâu vào đâu. Nhưng để tồn tại mà phá rừng theo cái kiểu đào tận gốc, trốc tận rễ như vậy thì tàn nhẫn với rừng quá.
Trong thời gian qua, thỉnh thoảng chính quyền địa phương cũng mở vài cuộc thu gom cây cảnh nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Khi lực lượng chức năng rút đi thì người dân địa phương lại tiếp tục vào rừng làm cái việc hủy diệt rừng một cách không thương xót. Khi chúng tôi hoàn tất bài viết này thì nhận được tin lực lượng kiểm lâm huyện Ninh Phước đang mở chiến dịch thu gom cây cảnh ở Phước Minh.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng sau đó mọi việc sẽ “vũ như cẫn”. Chính quyền địa phương cần có một giải pháp căn cơ hơn, ví dụ như tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích người dân chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc có thế mạnh ở địa phương v.v… Có như thế cuộc sống người dân mới ổn định, mới có thể chấm dứt được tình trạng hủy diệt rừng một cách tàn nhẫn như hiện nay, những giọt nước mắt của rừng mới không còn chảy nữa.
HOÀNG CÔNG TÂM