Nước sạch ngày càng hiếm

Chi phí xử lý nước ngày càng tăng
Nước sạch ngày càng hiếm

Theo kế hoạch, cuối tháng 5-2010, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cùng nhiều ban ngành liên quan khác sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn TPHCM. Sawaco hy vọng hội thảo sẽ giúp tìm ra phương thức hoạt động thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng xấu đến nguồn cung cấp nước sạch.

Chi phí xử lý nước ngày càng tăng

Chi phí mua hóa chất xử lý nước thô từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (hai con sông cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho TPHCM) thành nước sạch sinh hoạt của người dân TP đang tăng… “phi mã” theo đà ô nhiễm ngày càng trầm trọng ở 2 con sông này.

Người dân ở huyện Nhà Bè phải mua và vận chuyển nước sinh hoạt. Ảnh: Đức Trí
Người dân ở huyện Nhà Bè phải mua và vận chuyển nước sinh hoạt. Ảnh: Đức Trí

Tại Nhà máy nước Tân Hiệp – nơi cung cấp 300.000m³ nước/ngày, đêm cho TP (chiếm khoảng 22,4% tổng lượng nước TP sử dụng), từ năm 2007 đến nay, chi phí mua hóa chất đã tăng khoảng 22% (không tính yếu tố lạm phát). Đó là chưa kể các chi phí tăng thêm như chi phí thuê nhân công giám sát, chi phí kiểm tra thường xuyên chất lượng nước…

Tại các nhà máy còn lại như Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Bình An, mức độ tăng chi phí mua hóa chất xử lý nước tuy không cao như Nhà máy nước Tân Hiệp, nhưng năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Theo Sawaco, đây thực sự là gánh nặng khi vào mùa khô, nước sông xuống thấp, mức độ hòa tan, tự làm sạch các dòng sông yếu đi.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng đó chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo báo cáo của Sawaco, mức độ ô nhiễm của sông Sài Gòn-nơi lấy nước chính của Nhà máy nước Tân Hiệp đang diễn biến hết sức phức tạp. Hàm lượng ammonia tăng nhanh vượt mức cho phép từ 4-28 lần. Ô nhiễm chất hữu cơ năm sau cao hơn năm trước. Hàm lượng vi sinh đã vượt tiêu chuẩn 2-4 lần. Tuy nhiên, đó chưa phải điều khó khăn nhất.

Ông Nguyễn Tống Đăng Khoa, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ của Sawaco cho biết, thời gian gần đây có nhiều ngày độ mặn của nước sông Sài Gòn vượt mức cho phép (250mg/l) vài giờ và Nhà máy nước Tân Hiệp phải sử dụng nguồn nước dự trữ để thay thế. Chi phí xử lý nguồn nước bị nhiễm mặn rất lớn, gấp hàng chục lần so với chi phí xử lý các nguồn nước thô khác. Đây chính là thách thức lớn nhất của Nhà máy nước Tân Hiệp, vì nếu tình hình nhiễm mặn không được kiểm soát, nhiều khả năng Nhà máy phải tốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư thêm hệ thống xử lý nước mặn chuyên dùng.

Nước sông Đồng Nai-nguồn nước chính của Nhà máy nước Thủ Đức, BOO Thủ Đức, Bình An đã có nhiều ngày bị nhiễm mặn vượt mức cho phép trong mùa khô năm nay. Sawaco như đang “ngồi trên lửa” trước những diễn biến đáng ngại này, bởi nếu tình trạng ấy không được ngăn chặn và xử lý kịp thời, chi phí sản xuất nước sạch của TP sẽ tăng cao, tạo thêm gánh nặng cho người dân.

Hạn chế ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải Rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM), nước sông Sài Gòn và Đồng Nai nhiễm mặn do biến đổi khí hậu: hạn hán, nước biển dâng cao, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, TPHCM nên chủ động khoanh vùng những khu vực nước bị nhiễm mặn và có kế hoạch “xả mặn” bằng cách đưa nước ngọt từ các hồ chứa nước ngọt ở thượng nguồn về “rửa mặn”.

Giải pháp thứ hai căn cơ hơn, có tính chất “thích ứng, hài hòa với thiên nhiên hơn”: trữ nước mưa để dùng mùa nắng. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hà Lan đang áp dụng giải pháp này và đã giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong việc sản xuất nước sạch. Tại các nước này, trong các tòa nhà, đặc biệt các tòa nhà cao tầng đều có hồ trữ nước mưa. Hồ không chỉ giúp trữ nước mà còn giúp điều tiết nước mưa trong trường hợp mưa lớn.

Để giảm thiểu chi phí xử lý ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, chỉ có một cách: xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi này. Từ nhiều năm nay, dư luận đã liên tục lên tiếng về tình trạng ô nhiễm do chất thải công nghiệp trầm trọng ở 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Thế nhưng, sự chuyển động của các cơ quan chức năng lại rất chậm và kém hiệu quả!

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục