Trái với những nhận định trước đây của cơ quan chức năng khi cho rằng nguồn thải gây ô nhiễm sông Sài Gòn do nước thải của các cơ sở sản xuất, các chuyên gia của Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định sông Sài Gòn bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt. Đây cũng là kết quả nghiên cứu hơn một năm của các chuyên gia Tây Ban Nha trong dự án do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ - dự án kiểm soát nguồn thải phân tán dọc sông Sài Gòn.
Thủ phạm chính: Nước thải sinh hoạt
Chất lượng nước sông Sài Gòn bị suy giảm bởi rất nhiều nguồn thải như nước chảy tràn đô thị, nước thải từ các khu dân cư, rò rỉ dầu từ hoạt động giao thông thủy, bãi chôn lấp rác, khai khoáng và hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Minh chứng rõ cho từng nguồn thải, ông Segimon Serrat Serra, Chủ nhiệm dự án kiểm soát nguồn thải sông Sài Gòn cho biết, với nguồn thải từ bãi chôn lấp rác, hiện bãi rác Gò Cát tác động mạnh đến chất lượng nguồn nước. Bãi rác này có khu vực cách ly rất hẹp lại gần sông Sài Gòn nên nước rỉ rác chảy ra sông là rất khó kiểm soát. Giao thông thủy cũng đang để lại những tác động nặng nề cho chất lượng nước sông bởi liên tục xảy ra các sự cố tràn dầu. Riêng hoạt động sản xuất nông nghiệp do quy mô còn nhỏ lẻ nên chưa tác động đáng kể cho nguồn nước.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là nước thải khu vực dân cư mà cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân và nước chảy tràn đô thị. Hiện diện tích bê tông hóa của thành phố ngày càng lớn nên lượng nước mưa không thể thẩm thấu xuống đất. Thay vào đó, lượng nước này chảy tràn kéo theo tất cả chất thải trên bề mặt đất xuống kênh rạch dẫn ra sông. Còn chất thải phát sinh từ khu vực dân cư do các bể phốt hoạt động không hiệu quả hoặc không qua các bể phốt thải hết ra sông đang khiến cho nguồn nước sông ô nhiễm khá nặng. Kết quả phân tích mẫu chất thải nước sông Sài Gòn cho thấy, nồng độ vi sinh luôn luôn ở mức cao vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài chục đến vài trăm lần. Kế đến là chất COD, BOD. Kết quả này cũng đồng nhất với kết quả đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Xử phạt nghiêm những vi phạm
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn, ông Tomas, đại diện Công ty IDOM, cho biết, cần phải thiết lập các trạm kiểm soát và tiêu chí về chất lượng nước sông. Muốn làm được điều này rất cần hành lang pháp lý. Quan trọng hơn cần xử lý những khu vực ô nhiễm về nước thải, rác thải, nguồn thải ô nhiễm. Cụ thể, phải xử lý triệt để những đơn vị bị phát hiện vi phạm xả thải; dự trù tài chính xây dựng hệ thống kiểm soát tiêu chí xả thải; kết nối nguồn thải của các cơ sở sản xuất nhỏ vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố; cập nhật giấy phép xả thải kết hợp với giới hạn mới đối với các chất thải ô nhiễm đặc thù tùy theo các mục tiêu và chất lượng môi trường tiếp nhận; tuân thủ nghiêm ngặt với giấy phép xả thải. Với ô nhiễm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất là cần trang bị kiến thức cho nông dân để tạo thói quen tốt về sử dụng hợp lý lượng phân bón, canh tác đúng cách và giảm thiểu tối đa lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tương tự, với chất thải đô thị thì cần tập huấn tốt cho người dân để giúp họ chủ động sớm ngăn ngừa phát sinh chất thải. Với những chất thải phát sinh thì chủ động giảm bớt hoặc chuyển hướng các chất ô nhiễm. Cuối cùng là thu gom và xử lý các nguồn thải. Mặt khác, về phía cơ quan chức năng, nhất thiết ngay từ khi quy hoạch đô thị, xây dựng cần phải quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, diện tích trồng thảm cỏ xanh. Đồng thời, kết hợp nâng cao nhận thức cộng đồng trong vấn đề giữ gìn công trình xử lý chất thải. Với những bể phốt chứa chất thải, cần tập huấn kiến thức người dân phát huy hiệu quả bằng cách thực hiện hút bùn thường xuyên. Kinh nghiệm quản lý môi trường tốt tại Tây Ban Nha là phải hình thành quỹ bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Cách làm này giúp nâng cao trách nhiệm của địa phương và người dân trong việc giữ gìn môi trường sống của chính mình. Với nguồn thải từ nước rỉ rác cần tách bỏ chất thải rắn. Kế đến cách ly hoàn toàn bãi chôn lấp, thực hiện chống thấm trên nền hiện thời của bãi chôn lấp, xử lý lót chống thấm và lắp đặt hệ thống thu gom nước rỉ rác và nước chảy tràn và hệ thống thủy lực bao quanh. Về lâu dài cần cách ly bằng cách di dời bãi chôn lấp xa lưu vực sông. Không chỉ vậy, để chủ động kiểm soát nguồn thải ô nhiễm, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống quan trắc để kiểm soát được những thay đổi chất lượng nguồn nước sông; phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành bắt đầu từ khâu quy hoạch, xây dựng khu dân cư. Kế đến mới là xử lý kết hợp nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đại diện các viện, quận huyện cũng cho rằng cần lưu ý với chất thải công nghiệp. Bởi lẽ lượng nước thải của công nghiệp đổ ra sông Sài Gòn không lớn nhưng nồng độ chất thải lại rất độc hại. Do đó, cần triệt để kiểm soát tốt nguồn thải này. Về phía Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết thêm, từ năm 2011 sở đã chủ động thống kê nguồn thải dọc hệ thống kênh rạch dẫn ra sông Sài Gòn. Kết quả đã chỉ rõ có 450 doanh nghiệp sản xuất có lưu lượng nước thải trên 50m3/ngày. 60% số doanh nghiệp này thải ra lượng nước thải chưa đạt yêu cầu. Hiện sở đang tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị này. Trường hợp nào tái vi phạm môi trường nghiêm trọng sẽ thực hiện niêm phong máy móc, buộc ngưng hoạt động.
Ái Vân