Nuôi động vật hoang dã: Không được lơ là, chủ quan

Dù không phải là địa phương nuôi nhiều hổ, nhưng nếu xét về lượng động vật hoang dã, trong đó có những loại thú dữ, gây nguy hiểm cho người thì TPHCM lại là một trong số địa phương có địa điểm nuôi vào loại nhiều nhất nước. Chiều 12-9, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM (CCKLTP) về vấn đề này.
Nuôi động vật hoang dã: Không được lơ là, chủ quan

Dù không phải là địa phương nuôi nhiều hổ, nhưng nếu xét về lượng động vật hoang dã, trong đó có những loại thú dữ, gây nguy hiểm cho người thì TPHCM lại là một trong số địa phương có địa điểm nuôi vào loại nhiều nhất nước. Chiều 12-9, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM (CCKLTP) về vấn đề này.

Phóng viên: Ông có thể cho biết việc gây nuôi động vật hoang dã ở TPHCM hiện nay như thế nào?

Ông NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG: TPHCM hiện có trên 250 tổ chức và cá nhân gây nuôi động vật hoang dã, trong đó thú dữ có khả năng gây nguy hiểm cho người gồm: hổ (Thảo Cầm viên Sài Gòn nuôi 4 con và Khu du lịch Suối Tiên 2 con), gấu (346 con do 83 tổ chức và cá nhân nuôi), cá sấu (khoảng 160.000 con do 74 tổ chức và cá nhân nuôi, có 4 doanh nghiệp được CITES VN cấp giấy phép xuất khẩu). Ngoài ra còn có nhiều trang trại nuôi trăn, rắn… Địa bàn nuôi các loại động vật hoang dã ở TPHCM tập trung chủ yếu các huyện ngoại thành và quận ven, nhiều nhất là huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, quận 12, Thủ Đức…

Ông đánh giá như thế nào về các chuồng trại ở những nơi này, đặc biệt là với thú dữ, gây nguy hiểm cho người?

Việc nuôi hổ cần có chuồng nuôi bảo đảm an toàn. Ảnh: Thúy Hằng
Việc nuôi hổ cần có chuồng nuôi bảo đảm an toàn. Ảnh: Thúy Hằng

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của CCKLTP là bộ phận chuyên môn theo dõi và phối hợp với địa phương, cơ quan hữu quan kiểm tra định kỳ những cơ sở nuôi này về chuồng trại (theo quy chuẩn của Bộ NN-PTNT) và môi trường. Phần lớn cơ sở nuôi đã đến CCKLTP đăng ký và đã được kiểm tra, nhắc nhở về sự an toàn của chuồng trại. Nơi nào chưa đạt phải tu sửa, nâng cấp. Nhìn chung, chuồng trại được tu sửa và nâng cấp. Nhưng vì chuồng nuôi đều bằng sắt thép, theo thời gian dễ bị gỉ sét, nhất là chuồng cá sấu, vì vậy người nuôi phải thường xuyên kiểm tra. Riêng về chuồng trại nuôi hổ ở Thảo Cầm viên và Suối Tiên được thiết kế đảm bảo an toàn cho du khách, đặc biệt là Thảo Cầm viên.

TPHCM từng xảy ra những sự cố đáng tiếc khi nuôi thú dữ. Theo ông, điều lo lắng về chuồng trại ở TPHCM, nhất là khi phía Nam bước vào giai đoạn mưa bão và triều cường cao hàng năm?

Năm 2006, ở Thủ Đức xảy ra trường hợp gấu cắn chết chủ. Ở huyện Bình Chánh năm 2007, gấu cắn cụt tay người nuôi. Cũng ở Bình Chánh xảy ra tình trạng cá sấu xổng chuồng và năm rồi là rắn nuôi bị xổng chuồng ở Củ Chi. Do vậy, cái lo của TP tập trung vào nơi nuôi gấu và nhất là cá sấu, do được nuôi với số lượng cao nhất nước.

Dù kiểm tra định kỳ hay đột xuất, nhưng chuồng trại có thể dễ dàng bị xuống cấp hoặc tình trạng triều cường ngày càng cao sẽ là nguy cơ cho những nơi nuôi loại bò sát lại sát bờ sông. Mặc dù CCKLTP và các ngành hữu quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và cho dù chuồng trại nhìn chung đều an toàn, nhưng thực tế không phải tất cả các nơi nuôi động vật hoang dã đều chấp hành tốt các quy định, nhất là những hộ nuôi nhỏ, số lượng ít, kiến thức chưa có nhiều lại không đăng ký với CCKLTP để được hướng dẫn về quy chuẩn chuồng trại.

Vì vậy, điều quan ngại nhất chính là sự chủ quan, lơ là của người nuôi. Những sự cố đáng tiếc xảy ra ở TP đều xuất phát từ những nguyên nhân này.

CÔNG PHIÊN



Vụ hổ cắn chết người ở Bình Dương: “Thí điểm” làm khổ kiểm lâm

Vụ con hổ tại Khu du lịch Đại Nam cắn chết người có nhiều nguyên nhân. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất là việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã nhưng còn quá thiếu quy chuẩn quản lý nhà nước.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ năm 2007, các cơ sở nuôi nhốt thú dữ, trong đó có loài hổ đều căn cứ theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 20-8-2006 về “Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm”. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam là nước thành viên tham gia “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, được gọi là Công ước CITES.

Sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, theo đó trong năm 2007, Chính phủ đã cho phép 3 cơ sở nuôi hổ thí điểm gồm: Công ty Bia Thái Bình Dương (huyện Dĩ An), Khu du lịch Thanh Cảnh (huyện Thuận An) và Khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một).

Do Việt Nam đã là thành viên của CITES, vì vậy về tính chất nuôi hổ của các cơ sở này chủ yếu là phục vụ cho mục đích gây nuôi nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ nhằm phục vụ cho công tác khoa học, tham quan, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng dùng cho mục đích kinh doanh thương mại.

Trên thực tế này, quá trình nuôi thí điểm bước đầu đã có những thành công cho mục đích bảo tồn, gây nuôi sinh sản. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương: việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã mà không ban hành các quy chuẩn trong nuôi thú dữ khiến kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn, nan giải trong khâu quản lý nhà nước.

Cho đến ngày hôm nay, sau khi để xảy ra việc hổ cắn chết nhân viên, Khu du lịch Đại Nam đã đóng cửa các chuồng nuôi hổ trong vòng 15 ngày để chờ sửa chữa chuồng trại, gia cố thêm sắt hàng rào cao 5m.

Ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, cho biết: Hàng rào hiện hữu sẽ được tăng thêm một lớp thứ hai cao 5m nhằm tuyệt đối an toàn mới phục vụ du khách trở lại.

CH.THỊNH 

Thông tin liên quan:

>> Vụ hổ KDL Đại Nam cắn chết người: Chưa có quy chuẩn nuôi hổ?
>> Vườn thú KDL Đại Nam (Bình Dương): Hổ cắn chết 1 nhân viên, 1 bị thương

Tin cùng chuyên mục