Nuôi gấu đẻ tại gia

Nuôi gấu đẻ tại gia

Người phụ nữ ấy tình cờ đến với gấu sau một cơn bạo bệnh và đưa gấu ngựa trở thành động vật có thể chăn nuôi tại gia. Một thế hệ gấu F1 đã ra đời. 

  • Từ một căn bệnh…
Nuôi gấu đẻ tại gia ảnh 1

“Bé” Mini chơi đùa với mẹ. Ảnh: ANH MINH

 Chị tên là Dương Thị Nhã, tình cờ đến với nghề nuôi gấu từ năm 2000. Trước đó, chị Nhã bị bệnh rất ngặt nghèo, tiểu cầu cao và dễ đông máu do uống kháng sinh quá nhiều. Bác sĩ đông y khuyên chị nên dùng mật gấu, khoảng 1cc mỗi ngày. Năm đó, chị phải mua mật với giá 300.000 đ/cc nhưng nhờ vậy mà bệnh giảm rõ rệt. Sang Lào mua được 2 con gấu ngựa với ý định nuôi lấy mật để chữa trị bệnh cho mình, chị Nhã không biết gì về các quy định bảo vệ động vật hoang dã, cũng chẳng biết hai chú gấu tên Mi và Sa của mình thuộc nhóm 2B (cấm mua bán, săn bắt…). Rồi bạn bè, người thân hay tin có mật gấu nên đến xin “chia lại”, nhiều người đề nghị chị “nuôi gấu lấy mật, trước làm phước, sau cũng có lợi nhuận”.

Vậy là sau 2 năm nuôi thử nghiệm, trang trại Vườn Xoài (Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai) đã có tổng cộng 26 con gấu ngựa, gồm 7 gấu đực, 19 gấu cái. Từ một người chập chững nuôi gấu lấy mật trị bệnh cho mình, chị Nhã trở thành “nữ đại gia” trong nghề nuôi gấu. Kiểm lâm Đồng Nai lúc này cũng biết chuyện nên hướng dẫn cho trang trại Vườn Xoài cách nuôi dưỡng, bảo vệ gấu, lập hồ sơ từng con để theo dõi, quản lý.

  •  … Đến ý tưởng “hoang đường”

 Cho gấu đẻ, chuyện nghe qua tưởng “hoang đường” bởi xưa nay chưa bao giờ loài gấu đẻ trong môi trường nuôi nhốt tại gia. Tình trạng săn bắt gấu rừng diễn ra nhức nhối và các nhà hàng phổ biến món ăn đặc sản từ thịt gấu khiến loài gấu ở Việt Nam gần như vắng bóng ngoài tự nhiên. Giá gấu càng ngày càng leo thang, từ 40 triệu đồng - 100 triệu đồng một con (tùy theo lớn nhỏ) mà cũng không có “hàng”.

Tương truyền, loài gấu sau khi say mật ong sẽ buông mình rơi tự do từ trên cây xuống đất vì cấu tạo bộ ruột của chúng thẳng như ruột ngựa, không thể leo ngược xuống. Khi ấy, mật gấu trong túi sẽ tan ra, giúp gấu hồi tỉnh. Vì thế nên mật gấu được dùng để chữa các vết nội thương. Còn trong toàn bộ cơ thể gấu, hai chi trước là quý nhất vì đấy là nơi tích tụ dưỡng chất, mùa đông gấu thường mút tay để sống qua ngày. Một cặp tay gấu ở thị trường “đen” hiện giá khoảng 6 triệu đồng, thường được tuồn vào TPHCM từ các tỉnh biên giới giáp Lào, Campuchia.
 
Lại nói về ý tưởng “hoang đường” của chị Nhã. Sau khi xây tường bao quanh khoảng đất rộng 5.000m2, chị Nhã đào một đường hào dài bên trong tường cho gấu tắm táp. Dưới nước, nuôi vài loại cá rô phi, chép, trắm cỏ… là nguồn đạm cho gấu cải thiện. Các cây cổ thụ trong khu đất được giữ nguyên, ngoài ra nhiều hang đá tạo sinh cảnh “để cho thật giống rừng đó mà”, chị Nhã nói.
 
Quyển nhật ký của người phụ nữ “hoang đường” có ghi: Con Mi giao phối trên bãi cỏ, mang thai 6,5 tháng, tăng trọng từ 100kg lên 120 kg. Ngày 14-8-2004 sanh đôi, con đực đặt tên Mini, con cái tên Miti, cả hai nặng chưa tới 800 gram, không có lông.… Chuyện tưởng như không thể đã xảy ra: gấu mẹ Mi sanh con trong môi trường nuôi nhốt.

  •  Thăm gia đình gấu

 Chúng tôi đến thăm gia đình gấu khi gấu mẹ đang được cho ăn trứng gà và mật ong để tẩm bổ. Dũng –người chăm sóc- vừa vuốt ve con gấu vừa nói: “Bình thường một con gấu ăn nửa lít mật ong, một quả trứng gà, vài ký cỏ voi, rau muống, bí đỏ… tốn khoảng 20.000đ/ngày. Gấu sau hai năm tuổi là có thể lấy mật, nhưng nếu nuôi gấu đẻ thì không được lấy mật để giữ sức cho chúng. Còn gấu lấy mật, mỗi năm một con có thể cho ta vài trăm cc, kiếm vài chục triệu đồng.

Bây giờ, trại Vườn Xoài đã có thêm 7 thành viên “nhí” nữa. Con gấu cái thứ hai sinh được 1 gấu đực con; gấu cái thứ ba sinh 2 gấu cái nhỏ; gấu cái thứ tư lại cho ra 2 “đực rựa”; rồi con thứ năm lại đẻ 1 đực, 1 cái. Riêng hai “bé” Mini và Miti nay đã lớn, nặng 6,5 kg nên phá phách không ngừng. Chúng tôi muốn chụp hình mà không thể nào giữ cho hai “bé” ngồi yên một chỗ được. Lúc thì Mini leo lên kệ lấy nải chuối xiêm, khi thì Miti nhảy xuống hòn non bộ để bắt mấy con cá cảnh. Cả hai chỉ ngưng phá phách khi gấu mẹ Mi bồng cho bú.

Cũng cần nói thêm là dù có 8 bầu vú nhưng chỉ có 2 vú phía trên của gấu mẹ là có sữa, vì vậy Mi phải bồng con bằng hai tay để ấp vào ngực, cảnh tượng xúc động vô cùng. Có khi chị Nhã đang nựng “bé” Mini thì gấu mẹ sau khi cho Miti bú xong, chồm sang giằng lấy con trên tay chị Nhã. “Bé” Mini trong khi bú vẫn chớp đôi mắt ngây thơ quan sát chúng tôi, nó có một cái khoang trắng ở cổ, hai tay ngắn cũn cỡn và cái mõm ươn ướt. Đến khi no nê, “bé” còn dang tay đòi chị Nhã bế như một đứa trẻ vậy.
 
Trang trại Vườn Xoài đã đăng ký thế hệ gấu F1 này với kiểm lâm. Chị Nhã nói với tôi rằng đến thế hệ gấu F2, tức gấu đã được công nhận là vật nuôi, chị Nhã sẽ bán gấu giống. Thêm thông tin rất vui là đã có 4 gấu mẹ mang thai. Điều này mở ra một bước ngoặt lớn trong nghề chăn nuôi gấu ở Việt Nam.

 DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục