
Anh Lư Văn Dũng ở khu phố 1 phường Tân Tạo (Bình Tân, TPHCM) nổi tiếng khắp vùng vì là người đầu tiên ở địa phương xử lý nước ô nhiễm thành nước sạch nuôi trồng thủy sản.

Anh Bảy Tọt bên ao cá đã xử lý ô nhiễm.
Ảnh: NGỌC TÚ
Gia đình anh Dũng có 1,2ha đất ruộng nằm cạnh rạch Cầu Chùa. Năm nào anh cũng trồng 2 vụ lúa và xen kẽ nuôi 1-2 lứa cá thịt nhưng vẫn thiếu trước hụt sau do gia đình đông miệng ăn. Khoảng năm 1990, nguồn nước rạch Cầu Chùa bắt đầu bị ô nhiễm do nhiều rác và xà bần ứ đọng…
Lúa và cá của anh Dũng chết hàng loạt làm cho cuộc sống của gia đình anh đã khó lại càng khó hơn. Thời gian này, để mưu sinh, anh đã phải đi làm thợ hồ.
Thế nhưng, đúng là “trong cái rủi có cái may”, lúc đi ngang qua vùng Phú Định (quận 8), thấy nguồn nước nơi đây cũng bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn nuôi cá bột, cá thịt được nên anh lân la hỏi kinh nghiệm.
Được nhiều người chỉ dẫn, anh về nhà tôn cao bờ bao của cái ao cạnh con rạch rồi lắp đặt thêm 4 miệng cống, gồm 2 miệng phía trên để cân bằng nước và 2 miệng phía dưới để xả nước. Khi thủy triều lên, anh tháo nước từ rạch vào ao độ khoảng 1/10 so với mực nước trong ao thì ngưng, để lắng từ 3-4 ngày rồi cho phần nước sạch trên mặt tự chảy sang ao bên cạnh.
Làm như vậy liên tục trong nhiều ngày đến khi cái ao bên cạnh đầy nước, anh cho thêm ít phân chuồng để tạo ra tảo rồi thả cá nuôi thử, không ngờ thành công ngoài dự kiến. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm anh thả nuôi 5-6 giống cá các loại như rô phi, mè, chép, sặt lò tho, thác lác… thu hoạch khoảng 5 tấn cá thịt, trừ hết chi phí cũng còn lãi 80-90 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi năm anh còn ươm 200-300 kg cá giống sặt lò tho, lãi 20-30 triệu đồng/năm.
Riêng lớp đất đen lắng dưới đáy ao anh bơm lên lập vườn trồng xoài và hiện vườn xoài của anh đang giai đoạn cho trái. “Tích tiểu thành đa”, sau nhiều năm nuôi cá thịt và ương cá giống trên vùng đất khắc nghiệt như vậy, đến nay chẳng những anh thoát cảnh nghèo mà còn có của dư của để, xây căn nhà khang trang và có đủ mọi tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại mà không hề phải bán một tấc đất nào của gia đình.
Học tập kinh nghiệm của anh Dũng, đến nay ở phường Tân Tạo và Tân Tạo A (Bình Tân) có hơn 20ha ruộng đất, ao hồ của nông dân nằm cạnh kênh, rạch bị ô nhiễm hoặc đã bị ô nhiễm cũng đã được xử lý thành nước sạch để nuôi trồng thủy sản.
Anh Dũng cho biết: “Ở những vùng nước ô nhiễm, ngoại trừ giống cá trê thì không có giống tôm, cá nào sống được. Tuy nhiên, nếu biết cách lắng lọc loại bỏ các độc tố trong nước để giữ lại nguồn nước sạch thì vẫn nuôi trồng thủy sản được như bình thường. Trong cái khó thường ló cái khôn, đừng bao giờ đầu hàng với hoàn cảnh”.
GIA MINH