
(SGGP 12G).- Nhà “ổ chuột” là cụm từ dùng để chỉ những ngôi nhà lụp xụp, rách nát dọc hai bên kênh rạch của thành phố. Thế nhưng hiện nay những “ổ chuột” này đang “leo” lên những tòa nhà cao tầng, giữa trung tâm thành phố.
“ Ổ chuột” leo lên phố

Mặt tiền nhếch nhác chung cư Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11, TPHCM
Đường 3 Tháng 2 rẽ vào đường Lý Thường Kiệt, người ta dễ dàng bắt gặp 4 chung cư cũ nằm chen chúc nhau trong một góc phố. Mặt tiền của những chung cư này, nhiều hộ dân đem quần áo treo móc tràn lan, chẳng khác nào một hiệu đồ cũ, thậm chí nội y cũng được bày biện công khai.
Bà Nguyễn Thị Phượng, một hộ dân kinh doanh ở tầng trệt, chung cư Lý Thường Kiệt, lắc đầu ngán ngẩm: “Nước từ quần áo phơi trên tầng trên nhỏ xuống, khách hàng vào mua đồ cứ tưởng trời mưa, ngước nhìn lên mới tá hỏa…”.
Chung cư Nguyễn Kim bên cạnh cũng nhếch nhác không kém với những dãy quần áo và chỗ nào cũng nhìn thấy rác, hành lang thì biến thành nhà kho chứa đủ thứ vật dụng như tủ thuốc lá, giỏ hàng, bàn ghế…
Vào trong chung cư Nguyễn Kim, khắp hai bên tường ẩm mốc do mưa tạt vào, còn những đường dây điện chạy loằng ngoằng trên những vách tường ẩm ướt. Chị Phụng, ở lô P chung cư Nguyễn Kim, cho biết: “Nhiều lúc trời mưa, nước ngấm vào tường, nhìn những dây điện nằm chằng chịt, nghĩ cũng sợ nhưng biết kêu ai…?”.
Theo lời chỉ dẫn của chị Phụng, chúng tôi đến chung cư Ngô Gia Tự, Ấn Quang, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Thiện Thuật. Những chung cư này cũng nhếch nhác không kém. Chị Hồng, chủ quán hủ tiếu ở đây, cho biết: “Ở đây ăn uống, buôn bán hoạt động dường như suốt đêm”, vì thế không mấy ngạc nhiên khi mùi nước rửa chén, mùi thức ăn, mùi nước cống, khăn lau, bàn ghế… thi nhau tỏa mùi. Bên ngoài đã như thế, bên trong còn phức tạp hơn.
Người dân sống ở đây luôn thoải mái trong chuyện giặt giũ, vệ sinh… nên vô tình đã đẩy chung cư cũ càng trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Cũng có những hộ dân tự ý cơi nới thêm không gian cho ngôi nhà của mình bằng những vật liệu rẻ tiền như tôn cũ, tấm bạt, bao tải…
“Đánh đu” với số phận…
Quận 10 tập trung 40 chung cư và cũng là nơi có số lượng chung cư đông nhất thành phố. Dân sống ở các chung cư này phần lớn là công nhân và dân lao động nghèo. Điều đáng nói là tất cả các chung cư này đều được xây dựng trước năm 1975 nên tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng. Bên ngoài các chung cư đều hoen ố, bên trong thì ẩm mốc và chật chội, thiếu ánh sáng.
Chị Thảo, ở lô P chung cư Nguyễn Kim, chỉ vào vũng nước lênh láng trên tầng 3, nói: “Mưa là dột, mà dột có đường nào thoát nước đâu, suốt ngày phải sống trong không khí tù mù, đầy mùi ẩm mốc, khổ lắm…”.
Ông Nguyễn Xuân Thành, người đã gắn bó với chung cư Lý Thường Kiệt ngay từ khi mới xây xong. Hơn 30 năm, dân số của thành phố ngày càng “phình” nhưng gia đình ông vẫn ở vậy. Ông cho biết: “Lúc mới về chỉ có hai vợ chồng, nhưng giờ đã lên đến 7 người chen chúc trong một căn nhà gần 50m2, không cơi nới lấy chỗ đâu mà sinh hoạt hàng ngày”.
Khi được đề cập đến việc sẽ được di dời chung cư cũ, ông Thành chia sẻ: “Ở đây bao nhiêu năm quen rồi, với lại giá tiền đền bù đó liệu tôi có mua nổi một căn nhà trong thành phố không…?”.
Đa số những hộ dân ở đây đều muốn xây dựng lại những chung cư cũ nhưng nói phải chuyển đi thì không ai muốn. Hơn 30 năm ở đây, những chung cư này không chỉ là nhà ở mà còn là nơi kinh doanh các mặt hàng điện tử, cơ khí được nhiều người biết đến (chung cư Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt). Nên việc di dời hay xây mới sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc buôn bán, kinh doanh của những hộ dân ở đây. Dù biết là nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì túng thiếu… họ vẫn chấp nhận “đánh đu” với số phận bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trong khi chính quyền thành phố còn đang loay hoay với hàng trăm dự án, hàng trăm công trình nên việc quan tâm đến những chung cư cũ vẫn còn chưa đúng mức. Chung cư nhếch nhác, một phần vì lề lối sinh hoạt của người dân, một phần là do các chung cư đã quá cũ. Nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp tục duy trì thì cuộc sống của những cư dân biết bao giờ mới sang trang mới…
ĐỖ NGÀ-MỸ DUNG