Quận Thủ Đức nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn với 60 hệ thống kênh rạch lớn nhỏ. Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng các khu sản xuất, khu công nghiệp khu vực thượng nguồn cộng với số dân nhập cư tăng nhanh đã khiến lượng lớn nước thải ô nhiễm dồn xuống khu vực quận Thủ Đức, gây ô nhiễm nghiêm trọng đời sống người dân.
Chất thải ô nhiễm nào cũng có
Là quận nằm ở cửa ngõ ra vào phía Đông của TPHCM, Thủ Đức có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, kéo theo đó là sự gia tăng dân số cơ học nhanh. Tỷ lệ dân số tăng cơ học ở mức cao là do nhiều yếu tố tác động nhưng nguyên nhân chính là do sự bùng phát các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Cụ thể, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu chế xuất Linh Trung II, Sài Gòn - Linh Trung… Bên cạnh đó, việc hình thành tập trung và ngày càng nhiều các trường đại học, học viện đã kéo theo sự di chuyển đáng kể số lượng người dân di dời từ nội thành ra vùng ven. Sự gia tăng nhanh dân số trong khi quy hoạch phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng tiếp nhận không theo kịp đã làm phát sinh nhiều vấn đề nan giải, nhất là vấn đề ô nhiễm chất lượng nước kênh rạch.
Kênh Ba Bò vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nước thải công nghiệp và sinh hoạt. Ảnh: Quang Khoa
Kết quả điều tra, khảo sát chất lượng nước 2013 - 2014 cho thấy, toàn bộ nồng độ các chất thải ô nhiễm đều có và vượt quy chuẩn cho phép đối với hệ thống kênh rạch của thành phố. Điển hình như nhu cầu ôxy sinh hóa hay nhu cầu ôxy sinh học (BOD), chỉ có 16/53 vị trí lấy mẫu là đạt quy chuẩn. Số còn lại vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1 - 19,3 lần. Những điểm có chất lượng nước không đạt thường tập trung tại các khu vực như rạch Lùng, rạch Cầu Trắng 1, rạch Cầu Trắng 2, rạch Thủ Đức, suối Nhum, suối Cái, rạch Bình Thọ. Mức độ ô nhiễm nguồn nước mùa khô cao hơn nhiều so với mùa mưa. Tương tự, cũng tại những điểm trên, nhu cầu oxy hóa học (COD), Amoni (NH4+-N), Photphat vượt quy chuẩn cho phép từ 2,43 đến 34,63 lần. Riêng tổng vi sinh (Coliforms) vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất hơn 2.000 lần. Đặc biệt, vào mùa mưa nồng độ Coliforms có xu hướng tăng cao một số vị trí như rạch Cầu Trắng 1, rạch Thủ Đức, suối Nhum, rạch Bình Thọ.
Khổ vì nước thải liên vùng
Mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhưng với đặc thù là nơi giáp ranh và tiếp nhận nguồn thải từ nhiều tỉnh thành khác, nên việc xử lý cắt nguồn thải ô nhiễm tại quận Thủ Đức không dễ. Thực tế cho thấy, nguồn gây ô nhiễm chính đến chất lượng nước kênh rạch trên địa bàn quận Thủ Đức là do tải lượng ô nhiễm của nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý triệt để xả thải ra kênh rạch, làm gia tăng mức độ tích lũy chất ô nhiễm trong nguồn nước. Ngoài ra, các hộ dân còn trút xuống kênh và khu vực hai bên bờ kênh một lượng rác thải khá lớn, làm mức độ ô nhiễm gia tăng. Bên cạnh đó, mạng lưới kênh rạch chằng chịt cộng thêm chế độ bán nhật triều không đều gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước trong khu vực và gây ảnh hưởng đến sự chuyển tải các chất bẩn đồng thời tăng thêm mức độ ô nhiễm do việc ứ đọng rác thải vào những giờ triều cường. Nghiêm trọng nhất là vấn đề ô nhiễm do hoạt động công nghiệp phát sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn quận Thủ Đức và một phần từ các hoạt động công nghiệp của các khu vực lân cận như quận 9, một phần từ Bình Dương đổ sang.
Trong thời gian gần đây, bất chấp sự nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường của quận Thủ Đức nhưng môi trường ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Trường hợp ô nhiễm kênh Ba Bò là một điển hình. Điểm gây ô nhiễm chủ yếu tại khu vực kênh Ba Bò là khu vực thượng nguồn không chịu ảnh hưởng của thủy triều và là nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải từ các hoạt động công nghiệp phía Bình Dương đổ xuống (nước thải của KCN Sóng Thần 1 và 2, nước thải sinh hoạt và rác thải của dân cư từ tổ 11 đến tổ 16 thuộc xã Bình Hòa (Thuận An, Bình Dương).
Ngoài ra, ô nhiễm kênh Ba Bò còn do chịu ảnh hưởng một phần nước thải các cơ sở sản xuất thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM. Để giúp quận Thủ Đức cải thiện ô nhiễm tuyến kênh này, UBND TPHCM đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng để đầu tư cải thiện kênh rạch này nhưng cho đến nay, kênh vẫn bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu DO, COD, BOD, TSS, Coliform, Fe, Pb, Cr, Phosphat. Mức độ ô nhiễm tùy theo loại mà vượt quy chuẩn cho phép loại B trung bình giao động từ 1,03 - 18,21 lần. Cá biệt Coliform vượt từ 1,47 - 32.933 lần. Gần đây nhất, Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm việc với tỉnh Bình Dương để sớm khắc phục tình trạng đổ chất thải ô nhiễm thông qua hệ thống kênh rạch vào địa bàn thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Điều đáng nói, càng kéo lâu thời gian tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện môi trường tại đây thì người dân càng thấp thỏm lo cho sức khỏe của mình. Liệu những căn bệnh mà người dân trên địa bàn quận thường xuyên mắc phải như viêm hệ thống hô hấp, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ung thư có phải xuất phát một phần từ nguyên nhân sống chung với môi trường ô nhiễm?
MINH XUÂN