Ngày 9-4, tại cuộc họp về tình hình ô nhiễm kênh Thầy Cai An Hạ, Công ty Thủy lợi thuộc Sở NN-PTNT TPHCM đã kêu cứu với các cơ quan chức năng về việc chất lượng nước dòng kênh trên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện nay, nguồn nước kênh đen ngòm, hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng lớn đến việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của hơn 9.000ha đất thuộc huyện Hóc Môn và Bình Chánh.
Tại cuộc họp với các sở ban ngành liên quan, ông Đoàn Văn Hùng, Công ty Thủy lợi cho biết, quá bức xúc với nguồn nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp Bắc Bình Chánh – Hóc Môn bị ô nhiễm nghiêm trọng, công ty đã thành lập đoàn khảo sát tình hình xả thải của các doanh nghiệp dọc kênh. Kết quả, chỉ bằng mắt thường, không cần lấy mẫu phân tích, đoàn đã phát hiện tại các doanh nghiệp như Công ty Nhất Trí (xã Tân Phú Trung), Công ty giấy An Thiên, Công ty Cao su Thành Công, Công ty Song Nam (xã Bình Mỹ) thuộc huyện Củ Chi, Công ty TNHH Phước Đạt (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), KCN Linh Trung III, Cơ sở giết mổ gia súc tư nhân (huyện Trảng Bom, tỉnh Tây Ninh), KCN Hạnh Phúc (xã Đức Hòa 1), KCN Xuyên Á (xã Đức Hòa 2) thuộc tỉnh Long An… xả nước thải có màu đen ngòm chưa xử lý ra môi trường. Ở một số đoạn nước có màu đỏ. Đặc biệt, tại họng xả thải sau nhà máy giấy An Thiên nước có màu trắng đục và có rất nhiều cặn bột giấy.
Nghi ngờ các công ty trên đang xả thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, Công ty Thủy lợi đã nhờ UBND huyện Bình Chánh và Hóc Môn phối hợp lập biên bản vi phạm, nhưng không thể nào làm được (!). Riêng tại Công ty Nhất Trí, đoàn phát hiện công ty có hành vi vi phạm môi trường rất rõ ràng. Nước thải chưa xử lý chảy thẳng ra kênh nên đã phản ánh vụ việc với Ban Quản lý khu chế xuất - Khu công nghiệp. Thế nhưng, Công ty Thủy lợi chỉ nhận được công văn trả lời là do vào thời điểm đó, bể chứa nước thải của Công ty Nhất Trí bị sụp nên nước thải cứ thế tràn ra ngoài môi trường mà chưa được xử lý. Còn hướng xử lý như thế nào, không ai làm.
Ông Tạ Văn Chính, Phó Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT nhấn mạnh, dọc kênh Thầy Cai An Hạ tồn tại rất nhiều doanh nghiệp. Do doanh nghiệp có trước khi thành lập KCN Tân Phú Trung nên trước đây họ gần như không xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra kênh. Sau đó, UBND TP đã thành lập KCN Tân Phú Trung và yêu cầu doanh nghiệp tại đây phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Thế nhưng, trên thực tế thì rất ít doanh nghiệp chịu xử lý nước thải. Hoặc chỉ xử lý khi có đoàn kiểm tra đến. Nguyên nhân vẫn là tiết giảm chi phí sản xuất.
Ông Chính cho biết, UBND TPHCM quy định việc cấp phép xả thải vào kênh thủy lợi phải do Sở NN-PTNT thực hiện. Tuy nhiên, thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp lại thuộc về Sở TN-MT. Do đó, mới có tình trạng Công ty Thủy Lợi và Sở NN-PTNT đi kiểm tra nhưng không thể xử lý những trường hợp doanh nghiệp vi phạm.
Còn về phía Sở TN-MT, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra sở khẳng định, do không phải là đơn vị cấp phép xả thải vào kênh nên về nguyên tắc sở không được phép rút giấy phép xả thải những đơn vị vi phạm. Đồng thời rất khó nắm danh sách những doanh nghiệp đen để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, sở có thể khắc phục bằng cách sẽ hợp tác với Công ty Thủy lợi để kiểm tra và xử lý. Riêng những nguồn thải phát sinh từ tỉnh Long An và Tây Ninh đổ về thì sở chỉ có thể gửi công văn khuyến cáo và đề nghị họ hỗ trợ kiểm tra xử lý. Còn xử lý như thế nào, hiệu quả đến đâu thì chỉ biết trông chờ mà thôi.
MINH XUÂN