Ô nhiễm đe dọa nguồn nước ngọt Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trong bối cảnh cả nước đang diễn ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, hơn 15 tỉnh, thành đã phải công bố thiên tai hạn hán, nguồn nước ngọt sạch đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Tại khu vực Đông Nam bộ, nguồn nước chưa đến mức bị cạn kiệt. Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát nguồn nước thải ô nhiễm cũng đang khiến cho nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. 
Ô nhiễm đe dọa nguồn nước ngọt Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trong bối cảnh cả nước đang diễn ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, hơn 15 tỉnh, thành đã phải công bố thiên tai hạn hán, nguồn nước ngọt sạch đang trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Tại khu vực Đông Nam bộ, nguồn nước chưa đến mức bị cạn kiệt. Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát nguồn nước thải ô nhiễm cũng đang khiến cho nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. 

Ô nhiễm phổ quát trên diện rộng

Kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chỉ rõ, nguồn nước cấp trên sông Sài Gòn từ Phú Cường trở lên thượng nguồn, do ảnh hưởng dải đất phèn ven sông, có độ pH thấp, gây khó khăn và tốn kém trong việc xử lý nước. Nguồn thải từ sông Thị Tính là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp. Khu vực cấp nước của sông Sài Gòn có chất lượng nước thuộc loại B1 và bị đe dọa bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm. Trong những tháng đầu năm 2016, tình hình thiếu nước trên các lưu vực sông là nguyên nhân tăng mạnh các hàm lượng dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh. Ô nhiễm trên sông Sài Gòn nghiêm trọng hơn ở khu vực từ sau hợp lưu với rạch Vàm Thuật, nhất là khu vực Phú An do tác động của các kênh tiêu thoát nội thành. Chất lượng nước thuộc loại B2 theo quy chuẩn Việt Nam.

Với nguồn nước cấp tại Hóa An trên sông Đồng Nai hiện nay, nói chung còn khá tốt, tương đương với nguồn nước loại A2. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, có nhiều thời điểm, nguồn nước cấp thô lấy xử lý phục vụ cung ứng nước sinh hoạt cho người dân tại trạm bơm bị ô nhiễm vi sinh nặng. Riêng khu vực sau cầu Đồng Nai, chất lượng của sông Đồng Nai chỉ còn đạt loại B2 và chỉ phù hợp cho các nhu cầu sử dụng tưới tiêu và các mục đích khác. Những yếu tố tác động đến chất lượng nước sông Đồng Nai đã được thống kê bao gồm nước thải sinh hoạt từ đô thị, các khu công nghiệp cùng với hoạt động giao thông thủy, khai thác cát.

Tình trạng ô nhiễm nặng diễn ra phổ biến hơn tại hệ thống kênh rạch nội thành thành phố. Nồng độ pH tại hệ thống kênh rạch thành phố đạt quy chuẩn loại B2. Về nồng độ các chất BOD5 và COD thì có đến 2/5 hệ thống kênh (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Đôi - kênh Tẻ) có 100% giá trị BOD5 và COD đạt loại B2. Còn kênh Tham Lương - Vàm Thuật có 50% giá trị BOD5 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,34 - 1,39 lần và 50% giá trị COD vượt quy chuẩn cho phép từ từ 1,34 - 1,41 lần. kênh Tham Lương có mức độ ô nhiễm nặng hơn. Riêng với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, tại vị trí Rạch Ngựa có giá trị BOD5 vượt quy chuẩn 1,14 lần và COD vượt quy chuẩn 1,02 lần lúc nước ròng. Kênh Tân Hóa - Lò Gốm ô nhiễm cao nhất khi có 100% mẫu phân tích vượt quy chuẩn loại B2; BOD5 vượt từ 1,64 - 2,06 lần và COD vượt từ 1,58 - 2,15 lần. Đặc biệt, với nồng độ ô nhiễm Coliform thì phần lớn tại các tuyến kênh bị ô nhiễm vi sinh vật, hàm lượng Coliform cao và 100% giá trị mẫu phân tích vượt quy chuẩn cho phép loại B2 từ 5 đến 1.155 lần.

Một con kênh tại phường 15, quận Tân Bình (TPHCM) đầy rác thải (ảnh chụp ngày 8-4). Ảnh: THÀNH TRÍ

Cứu nguồn nước ngọt sạch

Để cải thiện ô nhiễm nguồn nước trong khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt là TPHCM, cần phải xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng và chế tài áp dụng về bảo vệ trên dòng chảy cho các cấp độ từ tổ dân phố đến các tỉnh, thành. Cụ thể, không đổ rác, bỏ rác trên đường cầu cống và dòng chảy. Các nguồn thải từ các khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng như nguồn nước thải sinh hoạt phải bảo đảm đạt các tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi thải ra môi trường. Trường hợp vi phạm phải bị chế tài cụ thể bằng các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt thật nghiêm khắc.

Trên thực tế, quy định xử phạt hành vi vi phạm môi trường chỉ mới tập trung xử lý đối tượng vi phạm là doanh nghiệp. Còn với cộng đồng, người dân xả rác, gây ô nhiễm đường phố, tắt nghẽn và ô nhiễm hệ thống kênh rạch, sông ngòi thì vẫn chưa bị xử phạt. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hình thức xử phạt hành vi vi phạm môi trường có thể thực hiện đơn giản nhưng rất hiệu quả như là phạt tiền hoặc thực hiện lao động công ích thí điểm ở các điểm nóng của môi trường.

Về giải pháp căn cơ và lâu dài, chính quyền địa phương, nhất là TPHCM phải có kế hoạch thu gom vận chuyển có hệ thống và toàn diện cho thành phố. Tránh tình trạng như hiện nay, lực lượng thu gom, vận chuyển rác của thành phố phân tán, manh mún và tự phát ở nhiều đơn vị khác nhau. Hệ quả là tràn ngập rác trên địa bàn thành phố nhưng không đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm qua lại. Bước tiếp theo là sớm ưu tiên xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị. Hiện thành phố chỉ mới đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất xử lý là hơn 141.000m3/ngày, còn lại những nhà máy khác như Tham Lương, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bình Tân, Tây Sài Gòn vẫn đang trong giai đoạn đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Nếu những nhà máy trên đi vào hoạt động sẽ giúp giảm 80% trên tổng số 1,8 triệu m³ nước thải của thành phố được xử lý trước khi thải vào hệ thống sông, kênh rạch.
Ngoài ra, đối với các khu vực nguồn cấp nước trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, cần có các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước cấp thích hợp, bao gồm tăng cường giám sát xả thải, nâng cao tiêu chuẩn xả thải vào nguồn cấp nước, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội  phù  hợp với khu vực tác động đến nguồn cấp nước.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục