Viện Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa công bố kết quả nghiên cứu về lượng khí thải phát sinh tại TPHCM. Theo đó, tốc độ gia tăng khí thải ô nhiễm đang tăng nhanh chóng. PGS-TS Lê Thanh Hải, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hiện tại lượng khí phát thải của thành phố khoảng 11 triệu tấn CO2 quy đổi/năm. Con số này sẽ tăng gần 20 triệu tấn vào năm 2020. Lĩnh vực phát sinh lượng khí thải lớn nhất là năng lượng, chiếm 75%. Kế đến là các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp…
GS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết thêm, thống kê từ năm 2003 đến nay cho thấy lượng khí thải ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất, giao thông của thành phố liên tục gia tăng. Tại những khu vực ngoại thành, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nội thành do có sự khuyếch tán không khí theo hướng gió từ khu vực nội thành ra ngoại thành. Mặt khác, tại khu vực ngoại thành hiện đang tập trung rất nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, các doanh nghiệp di dời tự phát…
Việc gia tăng lượng khí thải ô nhiễm đã dẫn đến nhiều tác hại đến sức khỏe của người dân. Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, đối tượng dễ chịu sự tác động của ô nhiễm không khí nhất chính là trẻ em. Trong năm năm lại đây, số lượng trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp ngày càng tăng nhanh. Đơn cử như năm 1996, số lượng trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp khoảng 2.800 trẻ/năm. Đến nay con số này đã tăng hơn gấp hai lần. Đó là chưa kể số lượng bệnh nhân mắc các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản... Tình trạng số lượng bệnh nhân mắc các chứng bệnh tắt nghẽn phổi mãn tính ở người lớn cũng tăng nhanh đáng kể.
Thực tế về ô nhiễm không khí đáng lo ngại, tuy nhiên làm cách nào để giảm thiểu tác hại thực trạng này vẫn rất khó. Ông Tuấn cho biết, TPHCM đang được xếp hạng là một trong 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Để cải thiện thực tế này, Ban chỉ đạo giảm thiểu ô nhiễm không khí đã được thành lập, nhưng cho đến nay hoạt động của ban chỉ đạo này vẫn chưa thực sự rõ nét.
Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương TPHCM bức xúc, từ năm 2005 Bộ Công thương đề ra chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm phải có báo cáo nhu cầu sử dụng năng lượng và giải pháp tiết kiệm năng lượng sử dụng cho từng năm.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp chấp hành quy định này rất ít. Đầu năm 2013 khi quy định xử phạt những doanh nghiệp chưa chấp hành tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực mới mong giảm thiểu lượng năng lượng sử dụng. Từ đó, giảm thiểu thực trạng ô nhiễm hiện tại.
MINH XUÂN