Ô nhiễm - không chỉ dân lo

Câu chuyện làng ô nhiễm hình thành tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM không phải là câu chuyện mới, càng không phải là khu vực duy nhất đang tồn tại tình trạng này.

Câu chuyện làng ô nhiễm hình thành tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM không phải là câu chuyện mới, càng không phải là khu vực duy nhất đang tồn tại tình trạng này.

Điểm qua cũng có đến gần chục khu dân cư đang bị ô nhiễm đe dọa nghiêm trọng như phường Long Bình quận 9; xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh; phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân… Điều đáng nói nữa là những khu dân cư ô nhiễm trên không phải mới thành lập mà được hình thành và tồn tại hàng chục năm qua. Thực trạng ô nhiễm này không chỉ là nỗi lo riêng của mỗi người dân mà còn là nỗi lo đau đáu của các doanh nghiệp đang gây ô nhiễm.

Với người dân đang sinh sống tại khu vực trên, nỗi lo ô nhiễm đã và đang gây tác hại lên sức khỏe của họ và gia đình. Còn với các cơ sở, ngoài việc lo ô nhiễm đang gây hại trực tiếp đến sức khỏe của chính họ, còn khiến họ có nguy cơ mất công ăn việc làm, mất nguồn thu nhập vì bị các cơ quan chức năng đóng cửa. Vậy một câu hỏi đặt ra là các cơ sở sản xuất có biết điều này? Lý do gì mà họ lại không thay đổi để tồn tại?

Nhìn lại thực tế, các cơ sở sản xuất phần lớn là cơ sở rất nhỏ, kinh doanh theo hộ cá thể. Chủ cơ sở thường tận dụng mặt bằng gia đình để sản xuất. Vốn đầu tư của họ chỉ vài trăm triệu đồng – ít hơn kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Do vậy dễ thấy hầu hết các cơ sở không có hệ thống xử lý chất thải. Số ít có đầu tư hệ thống đi chăng nữa cũng chỉ là hình thức cho có chứ không thể có vốn duy trì hoạt động. Phương án di dời các cơ sở sản xuất nhỏ này được xem là khả thi nhất nhưng xem ra lại không dễ.

Từ năm 2003, TP có chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp gây ô nhiễm khu vực nội thành, khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung để quản lý, kiểm soát chất thải phát sinh, xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và lớn mới có thể thuê đất khu công nghiệp. Số còn lại nhỏ và rất nhỏ lại bám trụ tại gia đình để sản xuất. Số khác vì nhiều lý do không thể ở lại thì tự chọn khu vực ngoại thành để lập nhà xưởng mới. Đây chính là nguyên nhân hình thành nhiều cụm công nghiệp nhỏ hoặc khu dân cư ô nhiễm mới. Hơn nữa, theo báo cáo mới nhất mà Sở Công thương TPHCM công bố, phần lớn các cụm công nghiệp đều không có chủ đầu tư hạ tầng. Các doanh nghiệp trong cụm có quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ và phần lớn được di dời tự phát từ các khu dân cư ra. Bản thân cơ sở đang hoạt động cũng chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải mà vẫn thải bừa ra ngoài.

Có thể nói, giải quyết triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường khu vực dân cư, là điều hết sức cấp thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Thế nhưng làm cách nào vừa bảo vệ sức khỏe người dân nhưng cũng đảm bảo để gia đình của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không phải trắng tay là điều không dễ làm. Có lẽ cách vẹn toàn nhất là TP cần sớm hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, trước khi có chính sách ưu tiên hỗ trợ di dời các cơ sở này. Có như vậy mới mong tái cơ cấu sản xuất của họ theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục