Ô nhiễm không khí: Xử lý nguồn phát thải là đặc biệt quan trọng

Tổ chức lại giao thông
Ô nhiễm không khí: Xử lý nguồn phát thải là đặc biệt quan trọng

Khoảng 1 tháng trước, căn cứ vào kết quả quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có bài viết cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TPHCM. Điều này đã được tái khẳng định trong hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng không khí tại TPHCM” do Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tổ chức tuần qua.

“Bệnh” đã được xác định, vấn đề còn lại là cách chữa trị.

 Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đinh Tuấn (ảnh), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên – Môi trường TPHCM, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục BVMT TPHCM.

Tổ chức lại giao thông

- PV: Đã từng là một nhà quản lý, bây giờ là nhà giáo - nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo ông, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM, nên bắt đầu từ đâu?

PGS-TS NGUYỄN ĐINH TUẤN: Trước khi đưa ra những “bài thuốc”, tôi muốn lưu ý một số nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM.

Tính tổng thể, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại TPHCM là hoạt động sản xuất công nghiệp. Do hầu hết các nhà máy, xí nghiệp sản xuất có khói thải đều nằm tại các KCN và khu vực ngoại thành.

Khí thải công nghiệp lại thải lên cao (thải qua ống khói), phát tán trên diện rộng, được pha loãng trong không khí nên người dân không cảm nhận được hết mức độ ô nhiễm của tác nhân này.

Khối lượng khói thải từ hoạt động của các phương tiện giao thông, tuy không nhiều như khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp nhưng do chúng thải thấp (ngang tầm thở của con người) tập trung ở khu vực nội thành, trong các trục đường, lại bị “bao vây” bởi nhiều tòa nhà, ít phát tán ra xung quanh nên người dân dễ cảm thấy mức độ khó chịu của nó.

Như vậy, nếu nói đến tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm không khí có ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe người dân thành phố thì phải nói đến khí thải từ hoạt động giao thông. Do đó, để bảo vệ sức khỏe người dân, trả lại môi trường không khí trong lành cho thành phố thì phải bắt đầu từ việc cải tổ lại hoạt động giao thông.

- Cải tổ lại hoạt động giao thông là việc không đơn giản. Không chỉ có ngành môi trường mà ngành giao thông vận tải cũng đang muốn cải tổ lại hoạt động này nhằm chống ùn tắc giao thông nhưng chưa làm được như mong muốn. Ông đưa ra giải pháp này khác nào chỉ thành phố đi vào ngõ cụt?

Đúng là tổ chức lại hoạt động giao thông là điều không đơn giản, nhất là khi lượng xe gắn máy các loại đã lên tới gần 4 triệu chiếc, vượt rất xa khả năng đáp ứng của hệ thống cầu đường và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tuy nhiên, nếu không đi thì chúng ta không bao giờ đến đích được. Hãy bắt đầu bằng việc tạo điều kiện cho vận tải công cộng phát triển.

Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy, khi đưa vào hoạt động một số tuyến metro ở Bangkok, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây giảm hẳn và kèm theo đó là mức độ ô nhiễm không khí do khí thải của hoạt động giao thông cũng giảm mạnh.

Song hành với giải pháp này, Nhà nước cần khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu sạch để vận hành. New Deli (Ấn Độ) đã từng là một thành phố bị ô nhiễm không khí rất nặng do khí thải các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu. Thế nhưng nhờ các loại xe này chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên, thân thiện với môi trường mà môi trường ở đây đã được cải thiện đáng kể.

Tại Việt Nam, sau khi cấm sử dụng xăng pha chì-một chất có hại cho sức khỏe con người thì nồng độ chì trong không khí ven các trục đường đã giảm đáng kể. Rõ ràng, nếu hành động kiên trì và có phương pháp thì nhất định chúng ta sẽ đạt được mục đích.

Xử lý ô nhiễm không khí, rất cần bản lĩnh của người lãnh đạo

- Trong cải tổ lại giao thông, chúng ta sẽ bắt đầu bằng giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Xe container xả khói ra môi trường trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Xe container xả khói ra môi trường trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Về cơ bản, chúng ta sẽ phải tiến hành đồng bộ hàng loạt giải pháp. Muốn phát triển vận tải công cộng, thành phố phải từng bước hạn chế xe cá nhân.

Để hạn chế ùn tắc giao thông trong bối cảnh đường phố quá tải các phương tiện giao thông thì phải đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân.

Tôi đã chứng kiến rất nhiều tình huống mà trong đó, nếu mọi người chấp hành tốt Luật Giao thông thì đã không xảy ra ùn tắc giao thông.

Ví như, khi dừng lại đợi xe lửa đi qua, nếu mọi người đều có ý thức dừng đúng làn đường của mình, dành đường cho hướng lưu thông ngược lại thì khi xe lửa đi qua, mọi người đã không bị dồn ứ lại và ùn tắc giao thông đã không xảy ra.

Hướng dẫn người dân cách sử dụng các phương tiện giao thông đúng kỹ thuật, có hiệu quả; thường xuyên làm vệ sinh đường phố, kiểm tra chặt chẽ việc phát thải của các loại xe cũng là một cách bảo vệ môi trường…

Ô nhiễm không khí do khí thải các loại ô tô, xe máy rất dễ xác định nguồn phát thải. Bất cứ ai tham gia giao thông bằng các loại xe cơ giới, sử dụng xăng, dầu đều có thể là tác nhân góp phần làm ô nhiễm môi trường không khí. Điều này rất khác so với tình trạng ô nhiễm trong môi trường nước, đất. Những dạng ô nhiễm này khó xác định nguồn phát thải nhưng nếu đã phát hiện được thì dễ xử lý hơn bởi chúng thường là từ một doanh nghiệp, một cơ sở sản xuất cụ thể.

Ô nhiễm không khí do số đông gây ra, các giải pháp xử lý nếu không khéo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những khía cạnh khác của cuộc sống người dân. Ví dụ, giảm xe cá nhân sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Trong trường hợp này, rất cần đến bản lĩnh và vai trò điều hành của ngành chức năng. Ô nhiễm không khí cũng rất khác với ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước. Nếu thấy đất hay nước bị ô nhiễm, người ta có thể xử lý xong mới sử dụng còn không khí thì không thể.

Người ta không thể ngừng thở. Do vậy, trong ô nhiễm không khí, việc xử lý ngay từ nguồn phát thải là đặc biệt quan trọng.

- Những giải pháp ông đưa ra như giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân, hạn chế xe cá nhân… rõ ràng không thể một sớm, một chiều thực hiện được. Trong khi đó, không khí tại TPHCM đang bị ô nhiễm trầm trọng, cần có giải pháp cấp bách?

Thực ra, trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai khá nhiều giải pháp liên quan đến chính sách cũng như các biện pháp quản lý, kỹ thuật để hạn chế ô nhiễm không khí. Đó là việc loại bỏ xăng pha chì; tăng cường kiểm tra điều kiện môi trường của xe máy; phân luồng, phân tuyến xe lưu thông; di dời nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành; buộc các xe chở cát, đá, đất, xà bần… phải rửa xe trước khi vào thành phố; yêu cầu các chủ đầu tư khi thi công, công trình phải có thiết bị che chắn, không cho bụi phát tán…

Kết quả quan trắc không khí tại thành phố đã ghi nhận kết quả này: mức độ ô nhiễm không khí tại TPHCM vẫn gia tăng theo mức độ tăng của các phương tiện giao thông nhưng những năm gần đây nhiều chỉ số ô nhiễm đã tăng chậm lại, đặc biệt là bụi lơ lửng…

Điều này có nghĩa là chúng ta không phải đợi quá lâu mới thấy được kết quả của những giải pháp đã áp dụng.

Nguyễn Khoa

Môi trường không khí tại TPHCM

Thành phố Hồ Chí Minh có 6 trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông đặt tại vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm, vòng xoay An Sương, ngã 6 Gò Vấp, ngã tư Nguyễn Văn Linh-Huỳnh Tấn Phát. Kết quả quan trắc của 6 trạm này cho thấy:

  • Bụi: luôn ở mức nguy hại

Ô nhiễm do bụi trong nhiều năm qua luôn ở trạng thái nguy hại cho không khí thành phố. Cụ thể, chúng luôn ở trong mức từ 0,43-0,93 mg/m³, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,43 - 3,1 lần, cá biệt có thời điểm giá trị quan trắc lên tới 1,36mg/m³ vượt tiêu chuẩn cho phép 4,5 lần.

“Điểm nóng” nhất về ô nhiễm bụi của thành phố là khu vực ngã tư An Sương với 100% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép. Mức độ ô nhiễm do bụi ở đây có lúc lên tới 1,44mg/m³ vượt tiêu chuẩn cho phép 4,8 lần.

  • Ô nhiễm do chì: đang có dấu hiệu tăng

Những tháng đầu năm 2009, nồng độ chì đo được tại các trạm quan trắc dao động trong khoảng 0,22 - 0,38g/m³ trong đó nồng độ chì tại khu vực Gò Vấp trung bình 0,38g/m³, cao nhất so với các trạm còn lại.

So với những tháng đầu năm 2008, mức độ ô nhiễm chì có giảm từ 1,1-2,1 lần trên cả 6 trạm tuy nhiên so với những tháng cuối năm 2008 mức độ ô nhiễm chì lại tăng từ 1,1 - 1,5 lần ở 5 trạm.

Một trạm có giá trị quan trắc ô nhiễm chì không thay đổi là ngã tư Hàng Xanh.

  • NO2: vượt tiêu chuẩn cho phép

Nồng độ NO2 tại tất cả 6 trạm dao động trong khoảng từ 0,19 - 0,34mg/m³ trong đó trạm quan trắc tại ngã tư Điện Biên Phủ-Đinh Tiên Hoàng cao nhất, trung bình đạt khoảng 0,34mg/m³.

Tại trạm này, nồng độ NO2 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,7 lần và 100% giá trị quan trắc đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Các trạm còn lại, số lần quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép vào khoảng 68% và điều đáng lo ngại là những lần vượt tiêu chuẩn cho phép như vậy lại đang có xu hướng tăng. Nồng độ NO2 tăng chứng tỏ các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố sử dụng động cơ đốt trong phát thải chất gây ô nhiễm môi trường đang có xu hướng tăng.

  • CO: cơ bản trong mức cho phép

Nồng độ CO trung bình dao động trong khoảng 9,93 - 21,37mg/m³, về cơ bản vẫn nằm trong mức cho phép. Tuy nhiên, vẫn có 4 trong tổng số 6 trạm quan trắc có từ 3% - 17% giá trị quan trắc không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Nguồn: Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM

Chất lượng không khí và sức khỏe con người

1. Con người có thể nhịn uống 2-3 ngày, nhịn ăn 5-7 ngày cũng chưa thể chết nhưng chỉ nhịn thở 3-5 phút đã có nguy cơ tử vong.

2. Khi môi trường không khí bị ô nhiễm, con người có thể bị các bệnh: ngạt thở, nôn mửa, đau đầu, hôn mê, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phù phổi, ho, lao phổi, bụi phổi, ung thư phổi, bệnh về mắt, bệnh dị ứng, ngứa và mề đay, làm trầm trọng thêm các bệnh hen suyễn, bệnh tim mạch và bệnh thần kinh.

3. Số người chết do phơi nhiễm với bụi trong không khí (số liệu của WHO ước tính trong năm 2006) trên toàn thế giới là khoảng 777.000 người. Trong đó, châu Á là 531.000 người, chiếm 68%.

(Nguồn: Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng,
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam)

Tin cùng chuyên mục