Ngày 20-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xử lý ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Tại đây, nhiều vấn đề nóng về môi trường vốn đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
- Ngổn ngang nỗi lo ô nhiễm
3 vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra tại cuộc họp là tình trạng chất lượng nước kênh rạch ô nhiễm nặng, nhiều bệnh viện vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải và chưa di dời triệt để các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho biết, chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm được thực hiện từ năm 2003, nhưng cho đến nay vẫn còn 7 doanh nghiệp chưa di dời.
Hơn nữa, 7 doanh nghiệp này lại là những doanh nghiệp rất lớn, mức độ gây ô nhiễm hết sức nghiêm trọng như: Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Công ty Việt Thắng Jeans, Công ty Sản xuất tôn Posvina, Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội và Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Trong 7 năm nay họ vẫn đang tiếp tục gây ô nhiễm nhưng vẫn cứ tồn tại mà không bị xử lý.
Về việc hệ thống kênh rạch, nhất là kênh phục vụ thủy lợi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, bà Lê Hồng Hoành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh, kết quả kiểm tra cho thấy các tuyến kênh B, C, An Hạ, nhất là những đoạn gần khu vực khu công nghiệp Tân Phú Trung, bãi rác Phước Hiệp, Lê Minh Xuân bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nồng độ các chất Coliform, COD, BOD… do Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi đo được đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài lần đến vài trăm lần. Vậy phải chăng công tác xử lý doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn môi trường chưa đạt?
Riêng ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách cho biết thêm, hiện vẫn còn quá nhiều bệnh viện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, tổng khối lượng nước thải của các bệnh viện lại rất lớn khoảng 23.000m³/ngày đêm. Vậy đến bao giờ nguy cơ ô nhiễm từ nước thải bệnh viện mới được chấm dứt?
- Giải quyết triệt để ô nhiễm: khó trăm đường?!
Lý giải những tồn tại trên, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện 15 KCX-KCN của TPHCM đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Riêng tại KCN Tân Phú Trung cho đến nay các doanh nghiệp trong khu vẫn chưa kết nối vào hạ tầng nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra kênh Tham Lương.
Mặt khác, tiếp giáp với khu vực Tân Phú Trung, tồn tại hàng loạt KCN của tỉnh Tây Ninh mà việc xử lý nước thải của các khu này chưa được quan tâm đúng mức. Riêng về việc các doanh nghiệp chưa di dời, hiện trong 7 doanh nghiệp trên có 2 doanh nghiệp trực thuộc TPHCM và 5 doanh nghiệp trực thuộc Trung ương. Trong thời gian này, các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhưng chưa triệt để.
Thành phố chưa quyết liệt trong việc đề xuất với trung ương về việc di dời xử lý triệt để ô nhiễm của những đơn vị này. Còn số lượng 20 bệnh viện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải là do khó khăn về vốn. Sở Tài nguyên và Môi trường đang xúc tiến cùng các bệnh viện kêu gọi xã hội hóa đầu tư vấn đề này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM cho biết thêm, từ tháng 6-2009 đến nay, đơn vị đã bắt, xử phạt 155 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng. Thế nhưng phải thừa nhận rằng hiện rất khó để xử lý triệt để do biện pháp chế tài không chặt chẽ. Mức xử phạt còn thấp hơn chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận bị phạt hơn.
Riêng về việc có khởi tố hình sự chủ doanh nghiệp vi phạm môi trường hay không thì cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là không thể định lượng được hậu quả của hành vi gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh cũng như đời sống của người dân.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra và cảnh sát môi trường quá mỏng, khoảng hơn 100 người chia đều cho 24 quận huyện nên không thể kiểm soát xuể tình trạng vi phạm môi trường của các doanh nghiệp.
Nếu cơ quan chức năng làm hết chức trách của mình thì hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt luật để xử lý triệt để doanh nghiệp ô nhiễm. Không phát hiện được nhiều do lực lượng mỏng, nhưng khi phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm sao không mạnh dạn vạch mặt chỉ tên để kêu gọi cộng đồng tẩy chay sử dụng sản phẩm của họ? Với cách này liệu doanh nghiệp có chọn nộp phạt hay thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường - ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định.
MINH XUÂN