Chỉ có 14/300 doanh nghiệp được khảo sát tại tỉnh Bình Dương đạt tiêu chuẩn về môi trường. Nhưng đáng lo ngại hơn, việc gây ô nhiễm của doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương lại là mối họa đối với cuộc sống người dân TPHCM.
- 1.001 kiểu vi phạm
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường cho biết, để đưa ra kết quả trên, đoàn khảo sát đã ứng dụng 2 loại tiêu chí môi trường bao gồm tiêu chí bắt buộc và tiêu chí khuyến khích. Trong đó, tiêu chí bắt buộc tập trung vào các vấn đề như yêu cầu về xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn quy định; chứng từ chuyển giao chất thải rắn công nghiệp, sinh hoạt, chất thải nguy hại; thực hiện báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ; đánh giá tác động môi trường… Còn tiêu chí khuyến khích như trình độ công nghệ sản xuất, có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường…
Thế nhưng, phần lớn các DN đều không vượt qua được tiêu chí bắt buộc. Trong đó, tập trung nhiều nhất là chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng chất lượng nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu; bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì có hành vi vi phạm môi trường; không trang bị đầy đủ hệ thống xử lý khí thải; chưa thực hiện phân loại và chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định… Đáng lo ngại hơn, những DN vi phạm môi trường lại là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với môi trường như dệt nhuộm, kim loại, thiết bị điện, mạ kẽm, xi mạ…
Tính đến cuối năm 2009, tỉnh Bình Dương có 27 khu công nghiệp. Tỷ lệ khu công nghiệp (KCN) hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường như hệ thống thoát nước mưa, nước thải và trạm xử lý nước thải tập trung đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, việc quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung ở nhiều KCN còn chưa tốt. Vẫn còn nhiều DN chưa đấu nối trạm xử lý nước thải cục bộ với hệ thống xử lý nước thải tập trung. Không chỉ vậy, hiện tỉnh Bình Dương còn 15 cụm sản xuất công nghiệp và 40% cơ sở sản xuất ngoài cụm và KCN đang hoạt động nhưng không có hệ thống thu gom hay xử lý chất thải nào.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện hệ thống kênh rạch chảy qua nội ô thị xã bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 4 lần. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn tại các kênh thoát nước ở các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư Chòm Sao, Bình Hòa, Bưng Cù, nhất là dòng kênh Ba Bò chảy qua huyện Thuận An và quận Thủ Đức (TPHCM). Mặt khác, tình trạng ô nhiễm không khí tại các KCN đã vượt tiêu chuẩn cho phép 1,73 lần.
- Túi chứa ô nhiễm
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, việc nhiều DN tại tỉnh Bình Dương không đạt tiêu chuẩn môi trường thực sự là mối đe dọa đối với người dân trên địa bàn TPHCM.
Nguyên nhân là mọi con đường ô nhiễm của Bình Dương, từ nguồn nước, không khí đến đường bộ đều đang dẫn về TPHCM. Điều này lý giải tại sao hệ thống kênh rạch tại khu vực giáp ranh Bình Dương và TPHCM đều bị ô nhiễm rất nặng, trong đó có khu vực kênh Ba Bò. Chất lượng nước kênh Ba Bò ô nhiễm, đang từng ngày, từng giờ tác động lên cuộc sống của hơn 10.000 hộ dân thuộc khu vực quận Thủ Đức. Nguồn nước ô nhiễm này đang thấm vào nguồn nước ngầm – nguồn nước sinh hoạt của đa số hộ dân khu vực này.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, hiện TP phát hiện thêm một số kênh rạch bị ô nhiễm hơn cả kênh Ba Bò, đó là Suối Cái – Xuân Trường. Đây là nơi đã và đang phải hứng chịu trực tiếp chất thải gây ô nhiễm từ khu vực tỉnh Bình Dương đổ vào. Cụ thể, nồng độ chất các giá trị TSS, COD, BOD5, DO đều không đạt quy chuẩn cho phép. So với năm 2008, nồng độ COD, TSS, BOD5 tăng, đặc biệt hàm lượng các kim loại Fe, Pb và Cd năm 2009 tăng đáng kể. Đối với chỉ tiêu Coliform, ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với quy chuẩn cho phép.
Không dừng lại đó, hiện nay trung bình mỗi ngày TPHCM còn tiếp nhận từ Bình Dương và Đồng Nai 300 tấn chất thải nguy hại thông qua các đơn vị thu gom vận chuyển. Phần lớn những đơn vị này được Cục Bảo vệ môi trường khu vực phía Nam cấp phép cho hoạt động liên tỉnh nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát khối lượng chuyển giao cũng như khối lượng chất thải được xử lý. Trên thực tế, đa phần các đơn vị thu gom chất thải chỉ tận dụng số ít khối lượng chất thải có thể tái chế được, số còn lại họ lét lút đổ ra môi trường.
TPHCM đã và đang làm mọi cách nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn TP. Việc trích ra hơn 700 tỷ đồng đầu tư xây dựng hồ sinh học cải tạo nước kênh Ba Bò là một ví dụ. Thế nhưng, trong bối cảnh TPHCM đang gồng mình tìm giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân thì phía thượng nguồn Bình Dương, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý vẫn vô tư xả ra
ÁI VÂN