
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mức độ ô nhiễm không khí, rác thải, nguồn nước ở TP Hồ Chí Minh đều tăng 2-3 lần so với chỉ tiêu cho phép. Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã được triển khai từ năm 1993 là cơ sở để xử lý tác nhân gây ô nhiễm, vậy do đâu môi trường thành phố không được cải thiện?
- Nhận thức BVMT còn thấp
Chúng tôi có dịp quay trở lại một số con kênh được coi là có nồng độ ô nhiễm cao như kênh Liên Vùng, kênh Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tham Lương... Giữa cái nắng trưa oi ả của thành phố, các con kênh dường như đặc quánh và sánh màu đen kịt. Tại các đập ngăn, dòng nước như đứng lại bởi lượng rác quá đặc. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bao trùm cả khu dân cư lân cận. Tại một đoạn kênh ngắn chưa đầy 15m thuộc phường Bình Hưng Hòa A quận Tân Phú có đến hơn 20 ống cống được các cơ sở sản xuất ở đây lắp đặt phục vụ cho việc xả trực tiếp nước thải chưa xử lý ra kênh. Đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều quận huyện khác.

Việc xử lý rác bằng cách chôn lấp tại các bãi rác thành phố đang trở nên quá tải vì lượng rác tiếp nhận quá nhiều.
Tại quận Tân Phú, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, nhiều hộ dân lâu nay vẫn dùng nước giếng nay bị ô nhiễm nên phải mua nước nơi khác để nấu ăn, thậm chí phải lọc nước qua cát để dùng.
Ông Hà Viết Thanh, Phó giám đốc Sở Công nghiệp TPHCM cho biết: TP có 10/15 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1.000/29.000 cơ sở sản xuất đang nằm lẫn trong các khu dân cư chưa có hệ thống xử lý chất thải. Số còn lại dù có trang bị hệ thống xử lý chất thải nhưng không ít doanh nghiệp chỉ dùng để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, còn sau đó vẫn lén lút xả chất thải ra kênh rạch mà không hề qua xử lý.
Các bãi rác Gò Cát, Đông Thạnh, Đông Hưng Thuận, Linh Trung, Trường Thọ, Bàu Cát… mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác. Khối lượng rác cũ chưa xử lý hết lại chồng thêm lượng rác mới tạo nên lượng lớn nước rỉ rác, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt và nguy hại đến sức khỏe cho những người dân sống tại khu vực lân cận. Ngoài ra, mỗi ngày TP còn có hơn 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt vẫn được người dân xả xuống các kênh rạch.
Theo đánh giá mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường, tại các kênh An Hạ, C16, Tham Lương, Bến Cát, Vàm Thuật, Tiêu Ba Bò, rạch Nước Lên, suối Cái, suối Nhum… nồng độ các chất gây ô nhiễm như COD, BOD, vi sinh vật đều vượt 2-3 lần mức tiêu chuẩn (TCVN) cho phép, tăng 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm trước.
- Lúng túng từ quản lý đến xử lý
Một số dự án hạn chế ô nhiễm môi trường tại TP đang nghiên cứu khả thi |
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, khối lượng nước rỉ rác đang trở nên quá tải tại các bãi rác thành phố và việc xử lý chúng trở nên quá sức đối với nhiều công ty xử lý nước thải. Trong năm qua, thành phố đã trình Chính phủ phê duyệt một số dự án xử lý rác có tính khả thi. Tuy nhiên cho dù các dự án đó đi vào hoạt động thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/2 so với nhu cầu thực tế. Sở cũng đã triển khai thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn ở 6 quận, huyện: 1, 3, 4, 5, 6 và Củ Chi nhưng cho đến nay, hiệu quả thực hiện còn thấp.
Việc cán bộ quản lý môi trường vừa ít (khoảng 70 người), lại vừa yếu chuyên môn cũng là một nguyên nhân. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý môi trường rất nghèo nàn, lạc hậu. Đến nay, thành phố vẫn chưa có phòng phân tích mẫu, xác định nồng độ ô nhiễm, hệ thống quan trắc không khí hiện đại được trang bị nhờ các dự án tài trợ của nước ngoài, còn tại các quận, huyện các thiết bị đo đạc, lấy mẫu gần như là không có.
Có một hiện thực đáng buồn là giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, kết hợp việc xử phạt với hướng dẫn xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hỗ trợ công tác di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm.
Trên thực tế, phòng quản lý đô thị các quận, huyện chỉ tập trung vào xử lý các vấn đề liên quan đến nhà đất, còn vấn đề môi trường thì vẫn chưa xác định được cách thức thực hiện, biện pháp chế tài và quan trọng hơn là ai có thẩm quyền xử lý. Phòng Tài nguyên-Môi trường TP thì mới thành lập nên hoạt động chưa hiệu quả.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, UBNDTP đã chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan triển khai thực hiện các đề án bảo vệ môi trường đối với các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng; đầu tư cho các cơ sở thu gom, xử lý, tái chế chất thải. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác giám sát thanh tra, xử phạt, tiến tới đình chỉ hoạt động những cơ sở vi phạm Luật BVMT.
Trong Hội nghị về chương trình sản xuất sạch hơn và xử lý ô nhiễm diễn ra vào cuối tháng 1-2005, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Đua cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp không thể cứ mãi “nín thở qua khe” như hiện nay, để lại những di hại nặng nề cho môi trường. Riêng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố trong lần khảo sát thực trạng môi trường thành phố cũng đã cho rằng năng lực quản lý nhà nước về công tác BVMT còn nhiều yếu kém và thật đáng lo nếu công tác quản lý nhà nước không thể theo kịp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
ÁI VÂN – HỒ VIỆT