Thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa công bố cho thấy, từ năm 2007 đến nay, tình trạng ô nhiễm sông Đồng Nai không những không giảm mà còn gia tăng nhanh. Thực trạng này đã và đang tác động rất xấu đến nguồn nước phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội của 16 tỉnh thành, nhất là nguồn nước cấp sinh hoạt của hơn 16 triệu người dân.
Mức độ ô nhiễm vượt đến hơn 70 lần
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, chỉ số đo đạc nồng độ các chất ô nhiễm trong nguồn nước sông Đồng Nai cho thấy rất nhiều chỉ tiêu không đạt quy chuẩn cho phép. Tại khu vực sử dụng mục đích cấp nước của TPHCM, nồng độ oxy hòa tan (DO) tại hầu hết các trạm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép, thấp hơn từ 1,00 - 1,67 lần. Chỉ có trạm Hóa An có nồng độ DO vào năm 2007, 2008, 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 đạt quy chuẩn. Hàm lượng dầu vượt quy chuẩn cho phép từ 1,7 - 32,1 lần; Coliform dao động từ 1.324 - 183.124 MPN/100ml, vượt tiêu chuẩn cho phép 1,32 - 73,25 lần. Còn tại các khu vực sử dụng nguồn nước cho mục đích khác thì mức độ ô nhiễm còn cao hơn. Tại nhiều trạm đặt tại khu tập trung dân cư (Rạch Tra, Bình Phước, Phú An) hoặc các trạm đặt trên kênh tiêu thoát (Thầy Cai, Bình Điền, An Hạ) chất lượng nước ô nhiễm vượt tiêu chuẩn nước mặt loại B. Với kết quả quan trắc từ năm 2007 - 2012 cho thấy, sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.
Từ kết quả khảo sát trên, đánh giá diễn biến từ năm 2007 – 2012 cho thấy, giá trị DO không đạt quy chuẩn cho phép. Riêng mức độ ô nhiễm bởi dầu và Coliform lại có xu hướng tăng dần. Chỉ tiêu kim loại nặng và độ mặn tuy vẫn nằm trong quy chuẩn cho phép nhưng đang có xu hướng tăng cao qua các đợt quan trắc. Kết quả này hoàn toàn tương thích với kết quả kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt mà Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế TPHCM thực hiện. Trung tâm đã không ít lần cảnh báo về tình trạng gia tăng chất thải ô nhiễm trong nguồn nước cấp cũng như mức độ ảnh hưởng của chất này đến hoạt động xử lý nguồn nước thô cung cấp phục vụ sinh hoạt của người dân. Ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nước BOO Thủ Đức khẳng định, tình trạng xấu đi của chất lượng nguồn nước ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp, bởi công nghệ xử lý nước cấp hiện nay chủ yếu bằng phương pháp lắng lọc và khử trùng. Do vậy, trường hợp nguồn nước gia tăng các chất ô nhiễm như dầu, kim loại nặng hoặc mặn sẽ rất khó để xử lý. Hoặc có thể xử lý được nhưng chi phí rất cao. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá thành chung của nước sinh hoạt.
Cải thiện nguồn nước, cần sự nỗ lực chung
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, nguyên nhân gây nên thực trạng ô nhiễm trên là do nước thải từ hoạt động sinh hoạt và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi tại khu vực Củ Chi, Hóc Môn và một lượng lớn nước thải sinh hoạt và công nghiệp từ thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương và TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đổ ra sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hiện tại những khu vực trên, dân số tập trung rất đông, trong khi đó lượng nước thải sinh hoạt rất lớn lại chưa được xử lý triệt để thải thẳng ra sông. Không chỉ vậy, nước thải y tế những khu vực này cũng chưa được thu gom, xử lý triệt để, nhất là nước thải ở các bệnh viện công. Tình trạng tràn dầu và các sự cố môi trường do hoạt động giao thông thủy vẫn thường xuyên xảy ra... Đây chính là những yếu tố khiến cho chất lượng nước sông ngày càng suy giảm.
Một nguyên nhân khác làm ô nhiễm độ mặn ở sông Sài Gòn - Đồng Nai tăng là do ảnh hưởng thủy triều biển Đông và nước sông Sài Gòn có chế độ bán nhật triều. Biên độ thủy triều tại cửa sông rất cao từ 2,5m - 4m. Thủy triều xâm nhập vào đất liền thông qua các nhánh sông và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Về mùa kiệt, lưu lượng của các dòng sông nhỏ nên thủy triều tiến vào rất sâu, đến gần hạ lưu hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn. Nếu không có xả nước điều tiết của hồ Dầu Tiếng dòng chảy của sông sẽ rất thấp, kéo theo khả năng xâm nhập mặn tăng, chất lượng nước sông không bảo đảm cho việc lấy nước của nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Dầu Một. Chủ động điều tiết nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, xây dựng chế độ vận hành tối ưu cho hồ nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế cấp nước nông nghiệp và sinh hoạt cũng như đảm bảo chất lượng nước sông Sài Gòn ở hạ lưu đập là cần thiết. Nhất là khi hồ Phước Hòa đưa vào vận hành góp phần chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng. Đáng lo ngại là cho đến nay, chế độ điều tiết nước và vận hành liên hồ chưa được xây dựng.
Theo GS Lâm Minh Triết, Viện Môi trường và Tài nguyên, để cải thiện chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, cốt yếu nhất phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều tỉnh thành dọc lưu vực sông. Trong đó phải tìm được tiếng nói chung, sự cân bằng giữa lợi ích phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành cũng như lợi ích giữa phát triển kinh tế với môi trường. Ngoài ra, theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, phải thống nhất được chương trình quan trắc và cùng triển khai thực hiện với cùng tần xuất, thông số và thời điểm lấy mẫu. Trên cơ sở đó mới có thể đánh giá được hiệu quả công tác quản lý chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai dựa vào số liệu quan trắc; xây dựng cơ chế tăng cường chia sẻ thông tin tài nguyên giữa các cơ quan, ban ngành liên quan như: thông tin ô nhiễm môi trường, diễn biến chất lượng nguồn nước, thời tiết, chế độ thủy văn… để các bên liên quan có đầy đủ thông tin và phối hợp kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực.
ÁI VÂN