Ốc đảo không cô đơn

CÔNG PHIÊN

Hơn 20 năm trước, ngành nông nghiệp TPHCM đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để làm quy trình sản xuất rau an toàn một số rau quả nhiệt đới đặc trưng của thành phố. Bởi, thời điểm đầu thập niên 1990, khi đó, ông Phạm Thuyết là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM nhận thấy, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng là đáng lo ngại. Nhưng để đưa cái mới vào thực tiễn đầy gian nan. Thành công trên thí điểm, khó mở rộng do nhận thức con người khi đó còn khá mơ hồ. Nhưng đó là tiền đề để sau này, những năm 2000 TPHCM quy định, sản xuất rau quả ở ngoại thành và vùng ven đều phải tuân thủ quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và những vùng quy hoạch trồng rau đều phải được kiểm tra là đất và nước khu vực đó có đạt điều kiện hay không. Đồng thời các chợ đầu mối nông thủy sản đều có trạm kiểm soát của ngành BVTV, để lấy mẫu kiểm tra nhanh về dư lượng thuốc BVTV.

Đầu thập niên 2000, khi dịch cúm gia cầm bắt đầu bùng phát, gia cầm chết hàng loạt, lây lan rất nhanh trong thời gian ngắn lên đến hàng chục tỉnh thành. Khi đó, TPHCM đề xuất Bộ NN-PTNT sử dụng vaccine để phòng ngừa khi biết dịch cúm sẽ quay trở lại, phải một thời gian sau bộ mới chấp nhận thí điểm, trước khi áp dụng cho cả nước sau này.

Và cũng thời điểm đó, TPHCM đã mạnh dạn tổ chức lại toàn bộ việc nuôi gia cầm, vận chuyển, giết mổ và phân phối đến các chợ theo những quy định khá nghiêm ngặt, gây ra sự đồng thuận, kể cả phản đối trong xã hội. Đó là quy hoạch lại việc giết mổ gia súc và gia cầm. Từ lâu, kinh doanh gia cầm hầu như chỉ có mua bán sống hay giết mổ tại chợ, chưa qua giết mổ tập trung như hiện nay. Nhưng để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe người dân, Chi cục Thú y đã đề xuất và được TP chấp thuận, gia cầm trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải giết mổ tại những địa điểm tập trung như Phú An Sinh (quận 12), Huỳnh Gia Huynh Đệ (huyện Bình Chánh) và khu vực giết mổ tập trung tại An Nhơn (Gò Vấp) của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Việc vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh vào TP đều phải tuân thủ và theo lộ trình quy định sẵn để dễ kiểm soát. Đồng thời phải có giấy kiểm dịch từ nơi xuất phát rõ ràng. Các điểm bán phải có tủ bảo ôn, trứng gia cầm phải qua xử lý, có bao và đóng gói… Thế nhưng, quy định này của TP đã gặp sự phản ứng khá gay gắt của người kinh doanh, TPHCM trở thành “ốc đảo cô đơn” khi chưa có sự đồng thuận các địa phương khác, cho rằng quy định này như là “quốc gia” trong quốc gia khi TPHCM tự đặt ra quá nhiều yêu cầu, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tiêu thụ. Chỉ đến khi Bộ NN-PTNT quy định về việc chăn nuôi gia cầm, giết mổ tập trung, vận chuyển xe chuyên dùng… trên cơ sở thực tiễn của TPHCM, mọi việc mới được thuận lợi. Mấy năm nay, TPHCM còn phối hợp với các tỉnh có nguồn rau quả cung cấp cho TP trong việc hỗ trợ chuyên môn để người sản xuất ra sản phẩm an toàn, để không chỉ người dân TP mà các tỉnh cũng có nguồn rau quả an toàn.

Nói thế để thấy rằng, sự quan tâm của toàn xã hội hôm nay về an toàn thực phẩm là cả một quá trình. Từ nhận thức đến ý thức và hành động của từng con người đến toàn xã hội phải mất thời gian khá dài để tạo sự chuyển động. Sự chồng chéo và phân chia việc quản lý thực phẩm giữa 3 ngành nông nghiệp, y tế, công thương vô tình tạo ra những khoảng hở để người kinh doanh bất chính lợi dụng. Nói như một chuyên gia ngành nông nghiệp, không phải không có thực phẩm an toàn nhưng điều đáng lo hiện nay là sự mất niềm tin của người tiêu dùng. Bởi không biết thực phẩm an toàn ở đâu. Siêu thị là kênh phân phối hiện đại mà người tiêu dùng đã gửi gắm niềm tin nhiều nhất, nhưng đã bị phản bội vì “con sâu làm rầu nồi canh”.  Trong khi ở các chợ truyền thống, vẫn có rau quả hay thịt an toàn, VietGAP bày bán do không thể tiêu thụ hết từ các hợp đồng như xác nhận của bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, hay của các xã viên HTX Chăn nuôi Tiền Phong (huyện Củ Chi, TPHCM) đạt chứng nhận VietGAP nhưng từ nhiều năm nay âm thầm bán ra thị trường tự do vì không ai chịu hợp đồng tiêu thụ.  
     
Vấn đề đặt ra là làm sao khôi phục lại niềm tin người tiêu dùng thông qua các biện pháp cụ thể, như quyết liệt trong xử lý vi phạm (tiêu hủy heo có chất cấm mà TPHCM và Tiền Giang vừa làm), xử lý hình sự những người vi phạm, việc thống nhất quản lý đầu mối thực phẩm mà TPHCM đề xuất, cũng như việc trang bị phương tiện hiện đại, nhanh chóng để kịp thời xử lý, thay vì chờ kết quả kiểm tra định lượng thì sản phẩm rau quả (nếu vi phạm) đã bán hết cho người tiêu dùng như hiện nay. Đồng thời công bố các chuỗi, điểm bán thực phẩm an toàn và luôn có hậu kiểm, không thể bỏ ngỏ như vừa qua.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục