Tạp chí Panorama (Italia) số ra mới đây đã đăng bài phỏng vấn bà Olga Ulianova – cháu gái gọi Lênin là bác. Bà là hậu duệ trực hệ duy nhất của Lênin hiện còn sống. Chúng tôi trích đăng lại bài phỏng vấn trên nhân kỷ niệm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 - 22-4-2008).
"Lúc nào Olga Ulianova cũng tràn đầy xúc động mỗi khi đi ngang qua “lăng của Người”, nơi quàn thi hài người bác ruột của bà – V.I.Lênin. Năm nay 84 tuổi, bà Olga Ulianova – một cựu giáo viên vật lý luôn cảm thấy ấm áp khi đi qua Quảng trường Đỏ dù ngoài trời rất lạnh và giá buốt cắt thịt da. Lần nào bà cũng dừng lại trước lăng một hồi lâu. Bà nói: “Đừng hỏi tại sao tôi làm vậy mỗi lúc như thế. Tôi không muốn ai đó ảnh hưởng đến những tình cảm sâu thẳm tâm hồn tôi”. Với Olga Ulianova, những kỷ niệm về Lênin đi suốt cuộc đời bà. Lênin của bà trước hết không chỉ là người chiến thắng trong cuộc Cách mạng Tháng Mười hay là người đứng đầu Đảng Bônsêvích, nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên Xô mà là một người hết sức bình dị trong cuộc sống đời thường, dưới mọi góc độ khác nhau. Khi được hỏi về một số ý kiến đề nghị dời lăng Lênin ra khỏi Quảng trường Đỏ, Olga Ulianova thẳng thắn bày tỏ:
- Không và không bao giờ! Nhân dân Nga sẽ không bao giờ muốn dời thi hài của Người ra khỏi lăng này. Nếu một nhà chính trị Nga nào đó không thích cái lăng ấy, tốt nhất là ông ta không nên đến đó, hoặc nên biến khỏi đất nước này. Lênin đã được an táng ở đây vào năm 1924, theo nghi lễ và truyền thống Thiên Chúa. Chỗ quàn của Người đã được thi công sâu xuống 3m và sát chân tường Điện Cremli. Ngay cả vợ của Người là Nadezda Krupskaya cũng được chôn cất ở nơi đây cạnh Người.
- Nhưng nhiều người cho rằng Quảng trường Đỏ không phải và không nên là một nghĩa trang?
- Họ nói hoàn toàn sai. Theo các nhà khảo cổ học, ngay từ thế kỷ thứ 15, đã có cả một nghĩa trang ở trên quảng trường này rồi. Ngay cả giáo chủ của đạo Chính thống là Alexey II cũng chống lại những ý kiến cho rằng cần phải đưa thi hài Lênin ra ngoài, vì ông không muốn điều đó chia rẽ nhân dân Nga thêm nữa. Cần phải ngay lập tức thôi nhắc đến vấn đề này. Nước Nga còn có biết bao nhiêu vấn đề xã hội và chính trị cần phải giải quyết, hơn là cãi nhau về thi hài của Lênin.
- Bà còn nhớ gì về Lênin?
- Tất cả những gì tôi biết về Người là qua cha Dmitri của tôi, từ các chị Anna, Olga và bác gái tôi, Nadezda Krupskaya. Tôi mới có 1 tuổi rưỡi khi Lênin mất. Mọi người nói với tôi rằng một thời gian trước khi Người mất, Người có bế tôi và hôn vào má tôi. Trong gia đình, Lênin là một người giản dị. Khi ở ngoài đường, Lênin không hề phân biệt ai giàu ai nghèo và vì thế tất cả đều yêu mến Người. Người cũng rất thông minh. Tại trường học, Lênin là một thiên tài. Tôi không nói điều ấy, mà là sổ học bạ. Người biết nói nhiều ngoại ngữ, Pháp, Anh, Đức và có lẽ cả tiếng Italia. Người cũng học cả tiếng Hy Lạp và Latin. Người luôn khóa trái cửa để làm việc, viết, đọc, gặp gỡ nhiều người từ sáng đến tối. Người rất bận rộn. Và đó là một trong những lý do khiến Người mất sớm, khi mới 54 tuổi.
- Người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Lênin chính là bà Nadezda Krupskaya?
- Đó không chỉ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời Lênin, mà còn là người bạn đồng hành trong cả cuộc đời của Người. Họ gặp nhau khi còn rất trẻ, vào năm 1894 và cưới sau đó 4 năm. Người gọi bà là Nadia. Bà gọi Lênin là Volodia. Họ viết cho nhau ở bất cứ đâu, dù là ở trong tù hay là đang trong thời gian đi ở ẩn. Nadezda cũng làm việc rất nhiều. Bà có một nữ thư ký rất nghiêm khắc và luôn đuổi tôi ra khỏi phòng: “Olga, không được làm phiền bác ấy. Cháu không thấy là bác ấy đang viết sao?”. Nadezda nghe thấy liền ngừng viết và ôm lấy tôi.
- Tại sao họ không có con với nhau?
- Họ rất muốn, nhưng không thể. Vì họ phải xa nhau rất nhiều thời gian, trong tù, trốn ra nước ngoài, cách mạng. Nhưng bác Volodia của tôi rất yêu trẻ con. Mỗi lần vào công viên, nếu gặp một đứa bé, bác sẽ dừng lại và nói chuyện với nó.
- Lênin thực ra là một triết gia, một sử gia, hay là một nhà cách mạng?
- Người đã học triết và học sử. Nhưng trước hết, Người là một nhà cách mạng.
- Có phải Lênin là người chống lại việc ám sát Sa hoàng Nicolai II vì Người chỉ muốn đưa Sa hoàng ra xét xử không?
- Không ai muốn giết Sa hoàng, kể cả bác tôi. Cuộc cách mạng Bônsêvích không đồng nghĩa với việc ám sát Sa hoàng. Lênin chỉ muốn thay đổi từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.
- Vào năm 1991, Boris Yeltsin là người đầu tiên muốn thay đổi lại quá khứ ấy.
- Ông ta uống quá nhiều. Tôi không thích những nhà lãnh đạo đất nước không bao giờ tỉnh táo.
- Còn Vladimir Putin?
- Tôi thích ông ta.
- Bởi vì ông ấy đã muốn làm sống lại cái quá khứ mà bà tiếc nhớ?
- Tôi không biết ông ấy có muốn quay lại với Liên Xô hay không. Tôi chỉ thích và vậy thôi. Ông ấy không uống nhiều như Yeltsin. Ông ấy không hủy hoại Liên bang Xô Viết như Mikhail Gorbachev, ngay cả khi nước Nga có quá nhiều người nghèo và không ít người giàu.
B.T. (Theo TTX)