Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng kiệt xuất

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025), báo chí Lào đã có nhiều bài viết nêu bật công lao của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, các nhà sử học, chính trị gia và bạn bè quốc tế đã có những đánh giá sâu sắc về vai trò và ảnh hưởng của Người đối với lịch sử Việt Nam và thế giới.

Người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường

Các tờ báo lớn của Lào như Pasaxon (Báo Nhân dân), Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; Báo Pathet Lao, ấn phẩm của Hãng Thông tấn xã Lào (KPL), đã đồng loạt đăng tải những bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản”, hay “Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường tìm đường cứu nước”.

Các bài viết đều khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Các bài viết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Marx - Lenin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị với Lào, Campuchia và các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

R8d.jpg
Bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước được vinh dự trong một lần đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: TƯ LIỆU

Để lại di sản to lớn

Học giả Thái Lan Songrit Pongern là người sinh ra và lớn lên tại Udon Thani, một trong những địa phương Đông Bắc Thái Lan, từng ghi dấu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Thầu Chín (giai đoạn 1928-1929). Ông cho rằng tư tưởng của Hồ Chí Minh đến nay vẫn là nền tảng, là ánh sáng soi đường cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, ban hành hướng dẫn và thực hiện kế hoạch để phát triển đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Theo nhà sử học Pháp Pierre Journoud, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí to lớn trong lịch sử giải phóng dân tộc và thuộc địa ở thế kỷ XX. Cũng có tình cảm ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học Pháp Alain Ruscio chia sẻ: “Tôi cho rằng cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với nhân dân mình gần như độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại hoặc chí ít cũng là vô cùng hiếm hoi. Đã có sự gắn kết thực sự, tạo thành thể thống nhất, một sự hòa trộn giữa Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, đơn giản vì ông là một người con của dân tộc này và chưa bao giờ phản bội họ.

Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản nhận định rằng vị trí lịch sử đặc biệt của Bác trong phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX không chỉ được biết đến là dẫn dắt dân tộc Việt Nam giành được nền độc lập. Trong lịch sử thế giới, Bác còn được đánh giá như một nhà lãnh đạo biểu tượng của phong trào phi thực dân hóa ở “Nam bán cầu”, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và là một người có những đóng góp độc đáo trong cả tư tưởng và thực tiễn.

Theo học giả người Argentina, ông Gaston Fiorda, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh chống thực dân trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục