
(SGGP-12G).- Ngày thi đấu đầu tiên sáng nay dự kiến có 7 HCV đầu tiên được trao. Chủ nhà Trung Quốc hy vọng có chiếc HCV đầu tiên với Du Li ở nội dung bắn súng mục tiêu di động 10m.
Mỹ sẽ bị soán ngôi đầu?

Đáng chú ý nhất sẽ là tay bơi Mỹ Michael Phelps bắt đầu mục tiêu phấn đấu trong 9 ngày đoạt 8 HCV, nhằm phá vỡ kỷ lục đoạt 7 HCV của Mark Spitz ở Olympic 1972. Trong ngày đầu tiên ở Cung bơi lặn Water Cube, Phelps 23 tuổi dự vòng loại cự ly 400m cá nhân hỗn hợp. Quyền Anh cũng thi đấu vào thứ bảy, siêu cường môn này là Cuba vẫn được đánh giá cao. Cuba đoạt 5 HCV tại Olympic 2004. Các môn thi đấu trong ngày đầu còn có thể kể đến xe đạp, judo với ngôi sao Nhật Bản Ryoko Tani muốn lần thứ ba liên tiếp vô địch.
Olympic 2008 là cuộc đua huy chương giữa 3 siêu cường thể thao Mỹ, Trung Quốc và Nga. Với lợi thế sân nhà, Trung Quốc có thể lật đổ sự thống trị của Mỹ. Trung Quốc tham dự Olympic lần đầu tiên năm 1984 và đoạt 15 HCV và đến Olympic 2000, họ đã xếp hạng ba toàn đoàn. Ở Olympic 2004, họ leo lên hạng nhì, chỉ sau Mỹ.
Theo Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers, ở Olympic 2008, Trung Quốc với số 639 VĐV sẽ đoạt 88 HC, lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng HC. Hạng nhì sẽ là Mỹ với 87 HC từ 596 VĐV. Chỉ tiêu của 460 VĐV Nga là 80 HC, có tên trong Top 3. Theo phân tích của nhật báo USA Today số ra ngày 8-8 thì Trung Quốc cũng sẽ xếp nhất toàn đoàn, với 51 HCV trong khi Mỹ chỉ được 43 HCV.
Nếu đúng như các thông tin này, đó sẽ là lần đầu tiên sau 72 năm có một quốc gia khác ngoài Mỹ và Liên Xô đứng đầu bảng xếp hạng HC. Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ Pete Ueberroth nói, Mỹ chưa quen bị xem là “chiếu dưới” thì nay phải làm quen với điều đó. Ở Olympic 2004, Mỹ dẫn đầu với 103 HC gồm 35 HCV, nhì là Trung Quốc 63 HC (32 HCV) và Nga hạng ba 92 HC (27 HCV). Từ năm 1956 đến 1988, Mỹ và Liên Xô đều tranh đua thế thượng phong cho đến khi Trung Quốc nổi lên.
Quyết liệt vào cuộc đua tranh
Các nước mạnh về thể thao như Anh, Australia chỉ nghĩ đến có suất trong Top 10 ở Olympic 2008. Dự đoán của các chuyên gia cho rằng từ hạng 4 đến 10 là Đức (43 HC), Australia (41), Nhật Bản (34), Pháp (30), Italia (29), Anh (28) và Hàn Quốc (27). Ấn Độ được dự đoán sẽ có 6 HC so với 1 HCB ở Hy Lạp.
Gần đây, hai Bộ trưởng Thể thao Anh và Australia cá độ cho vui với nhau: Người thua sẽ phải mặc áo đấu của môn thể thao mà người thắng yêu thích. Bộ trưởng Anh Gerry Sutcliffe là fan mua vé dài hạn CLB bóng đá Manchester United, nếu thua, ông sẽ phải mặc áo của một CLB bóng bầu dục Australia khi đến sân Old Trafford của M.U, vì đó là CLB mà nữ đồng nhiệm Kate Ellis yêu thích.
Bộ trưởng Văn hóa Anh Andy Burnham cho rằng đoàn Anh sẽ có kỳ Olympic thành công nhất. Với chỉ tiêu 41 HC, nếu đạt được thì lần đầu tiên Anh sẽ xếp trên Australia kể từ Olympic 1988. Chính phủ Anh đã chi 600 triệu bảng Anh để hỗ trợ các VĐV ưu tú, nhằm chuẩn bị thật tốt trước khi làm chủ nhà Olympic mùa hè London 2012.
Australia cũng đầu tư mạnh trước khi đăng cai Olympic 2000 nhưng sau đó giảm tiền hỗ trợ. Từ đó, số HC họ đoạt được giảm dần, từ 58 HC năm 2000 xuống còn 49 HC năm 2004, xếp hạng tư chung cuộc nhưng cao hơn Anh 6 bậc. Ở Olympic 2008, chỉ tiêu của Australia là từ 42 đến 48 HC. Chủ tịch Ủy ban Olympic Australia, ông John Coates nói, phải thay đổi cách hỗ trợ VĐV, nếu không, năm 2012 Australia chỉ có thể xếp hạng 7 hoặc 8 chung cuộc. Ông cũng đã cược với đồng nhiệm Anh Colin Moynihan, rằng bên nào thua thì phải tặng bên thắng các chai rượu sâm banh tùy theo số HC cách biệt giữa hai đoàn .
Trần Trí (tổng hợp)