Cuối cùng, Olympic Việt Nam cũng kịp giành vé vào vòng 1/16 theo đúng mục tiêu mà HLV Phan Thanh Hùng đặt ra trước ngày lên đường. So với thất bại trong thế vỡ trận trước Turkmenistan, ở trận gặp Iran các cầu thủ Việt Nam đã chơi khá hơn rất nhiều, nhất là có sự tự tin trong lối chơi.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nhận xét: “Điều đáng khen là tinh thần thi đấu của các cầu thủ đã tốt hơn nhiều so với trận đấu trước. Nhất là những gì họ đã thể hiện trong hiệp 2”. Tuy nhiên, với góc nhìn chuyên môn, ông Vinh vẫn còn lo ngại về một số hạn chế của cầu thủ Việt Nam: “Rõ ràng hàng tấn công vẫn bế tắc. Chúng ta có thời gian cầm bóng và tấn công nhiều nhưng lại không ghi bàn. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn chưa ổn định về lối chơi. Chúng ta tấn công ào ạt Turkmenistan trong 10 phút đầu, sau đó lại thua. Sang trận gặp Iran, chúng ta đá thận trọng hơn nhưng vẫn thua trong khoảng thời gian này. Điều đó cho thấy đẳng cấp của các cầu thủ Việt Nam vẫn còn thấp”.
Thực tế là trong trận đấu với Iran, Olympic Việt Nam hoàn toàn bị động và nếu may mắn, Iran phải thắng ít nhất 3-0. Dù có vài thay đổi nhưng nhìn chung, lối chơi của Olympic Iran không khác nhiều so với trận thua Olympic Việt Nam tại Cúp TPHCM hồi tháng 9. Điều đó cho thấy, Olympic Việt Nam đang có sự sa sút nhất định về mặt lối chơi lẫn tinh thần thi đấu.
Sự xuất hiện của ông Calisto chỉ là một lý do, vấn đề lớn là các cầu thủ đang cho thấy sự bất ổn về mặt tâm lý. Họ thi đấu thiếu lửa và sự sắc sảo không còn như trước. Cả 3 trận đấu ở vòng bảng, chúng ta đều ở thế “chiếu dưới” nhưng ngoại trừ trận thắng Bahrain, 2 trận còn lại đều có những sai sót chiến thuật nhất định dẫn đến các bàn thua khá dễ dàng.
Gặp CHDCND Triều Tiên ở vòng 1/16, đối với Olympic Việt Nam là một thử thách lớn. Ông Nguyễn Văn Vinh nhận định: “Vấn đề lúc này là cần động viên cầu thủ bởi CHDCND Triều Tiên có phần còn mạnh hơn Hàn Quốc”. Thực ra, tìm một điều kỳ diệu trước CHDCND Triều Tiên không là mục tiêu của đội Olympic Việt Nam.
Chơi như thế nào mới là điều quan trọng nhất.
V.Quang - Q.Cường