
Cách đây đúng 30 năm, lúc 6 giờ sáng 30-4-1975, một người đàn ông trạc tuổi 40, dáng nhỏ thó, cùng 2 thanh niên xông vào trụ sở Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ Biên Hòa (SONADEZI) giật phăng lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống và treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Những người chung quanh chưa hết ngỡ ngàng thì ba người này phóng xe Honda 67 đến Nhà máy Đường Biên Hòa, Nhà máy vỏ xe TALUCO, Nhà máy Bột ngọt Thiên Hương, Viện Định chuẩn (Trung tâm Đo lường - Chất lượng)… tiếp tục treo cờ giải phóng.
Người đàn ông cắm cờ giải phóng trên trụ sở SONADEZI là ông Hai Thượng – cai thợ hồ, một nhân vật khá đặc biệt.
Trong giấy căn cước, ông Hai Thượng có tên là Lý Ngọc Thượng, sinh năm 1920 tại sông Ông Đốc (tỉnh Cà Mau). Kỳ thực đây là thẻ căn cước do cậu vợ của Hai Thượng – một công chức có máu mặt ở Cà Mau khi ấy, bỏ ra đến 10.500 đồng tiền Sài Gòn (lúc ấy vàng khoảng 3.000 đồng/lượng) để làm cho thằng cháu rể mà ông ta biết chắc là “Việt Cộng”. Tên thật của Hai Thượng là Tôn Văn Điểu, sinh năm 1931 tại xã Lộc Thọ, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam).

Ông Hai Thượng hôm nay.
Lúc mới 17 tuổi, Điểu đã tham gia cách mạng và thoát ly gia đình hoạt động trong Ban Công tác Vận chuyển Khu B150 đóng ở Tiên Phước (Quảng Nam). Năm 1959, Hai Điểu được chuyển sang hoạt động ở Ban Đặc công Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuối năm 1967, Hai Điểu được điều về Sài Gòn để cùng đồng đội diệt tên chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan vừa được Nguyễn Cao Kỳ – Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, cất nhắc làm Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Trận đánh diễn ra như kế hoạch nhưng tên Nguyễn Ngọc Loan chỉ bị thương ở chân phải. Do đó, Hai Điểu phải cùng vợ về Cà Mau để tạm lánh và làm căn cước mang tên Lý Ngọc Thượng.
Đầu năm 1970, Hai Điểu được giao nhiệm vụ đặt chất nổ TNT phá nhà máy điện. Công việc không thành, đám cảnh sát, an ninh làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy điện cũng không biết. Thế nhưng, hành động này đã không lọt khỏi mắt một cán bộ hoạt động nội thành. Đó là ông Bảy Nga (Trần Việt Nga) một đảng viên đang hoạt động dưới vỏ bọc một người lái xe lam chạy tuyến Chợ Đồn – Tân Vạn – An Hảo – Bình Đa. Ông Bảy Nga đã báo cáo với ông Năm Trang (Phan Văn Trang), Bí thư Thành ủy Biên Hòa, về con người đặc biệt này và được Thành ủy chỉ thị phải tìm cách móc ráp Hai Điểu tham gia hoạt động cho Ban Công vận Biên Hòa.
Được giao làm Phó Trưởng ban Đặc trách Vận chuyển Vũ khí, Hai Điểu được Ban Công vận bí mật tạo điều kiện từ thợ hồ trở thành cai thầu xây dựng.
Ngày 23-3-1972, tại căn cứ Bắc Trảng Bom, Tôn Văn Điểu được Thành ủy Biên Hòa kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Theo đề nghị của Ban Công vận, một tuần sau, cũng tại căn cứ Bắc Trảng Bom, Thành ủy Biên Hòa ra quyết định thành lập chi bộ H21 với nhiệm vụ tăng cường hoạt động trên địa bàn dân cư An Hảo. Chi bộ H21 có 4 đảng viên là Trần Việt Nga, Nguyễn Văn Bảo (tự Nguyễn Phản), Lê Văn Xiếu và Tôn Văn Điểu.
Chi bộ H21 đã phối hợp với lực lượng biệt động thị xã Biên Hòa trừng trị những tên gián điệp núp dưới lớp áo công nhân để chống phá cách mạng, trong đó nổi bật là trận đánh vào trụ sở ấp An Hảo đêm 27-1-1973 diệt tên trưởng ban an ninh, 2 nhân viên an ninh cùng tên trưởng ban thanh niên và 32 tên khác bị thương khi chúng đang triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm phá hoại Hiệp định Paris. Trong trận này, Tôn Văn Điểu bị địch bắt. Vợ Hai Điểu là Nguyễn Thị Hạnh cấp tốc chạy về Sài Gòn mượn 50.000 đồng của cha đang làm kế toán cho Công ty Xuất nhập Cảng Đông Phương để lo lót. Món tiền lớn này đã xóa sạch hồ sơ tình nghi Việt Cộng của đương sự Lý Ngọc Thượng nên khi ra tòa tiểu hình Biên Hòa, Hai Điểu chỉ bị tuyên án tù treo.
Những ngày cuối tháng 4-1975, Hai Điểu và các cơ sở của ông hoạt động không mệt mỏi. Được cử làm Trưởng ban Khởi nghĩa ấp An Hảo kèm thêm nhiệm vụ giữ không cho địch phá cầu Long Bình, Hai Điểu còn phải lo bố trí người đón cán bộ, bộ đội về ém ở Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Chị Hạnh, vợ Hai Điểu, phải bán gấp đám rẫy để có thêm tiền phụ vào 500 đồng do Ban Công vận chuyển đến để mua vải may cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam cho chồng và các đồng chí của mình kịp thời cắm lên các xí nghiệp, nhà máy… báo hiệu Khu Kỹ nghệ Biên Hòa đã về tay cách mạng.
Bùi Thuận