Tiếp tục phản hồi chuyên đề: CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM: Bắt đầu từ hạn chế xe ô tô cá nhân

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM: Bắt đầu từ hạn chế xe ô tô cá nhân

Là người có sử dụng xe ô tô cá nhân để đi lại, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM hai khóa 6 và 7 vẫn cho rằng, trong những giải pháp quan trọng chống quá tải, gây ùn tắc giao thông là giảm bớt, hạn chế xe cá nhân mà trước hết là xe ô tô riêng.

Ưu tiên thực hiện các giải pháp kinh tế

° PV: Ông không sợ hạn chế xe cá nhân sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của ông sao?

° Ông ĐẶNG VĂN KHOA: Việc hạn chế xe cá nhân là một vấn đề lớn, nhạy cảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, cần nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp, bước đi thích hợp.

Hiện nay, tôi sử dụng đủ loại phương tiện đi lại: xe ô tô cá nhân, xe taxi, xe ôm, trong đó xe gắn máy 2 bánh là chính và đôi lúc đi xe buýt. Tùy lúc, tùy nơi, tùy việc, phương tiện nào phù hợp thì đi. Hiện nay sử dụng xe gắn máy là thuận tiện, linh hoạt nhất. Xe ô tô cũng có cái hay và tiện lợi của nó. Tôi có thể ngồi thoải mái trong ô tô khi bên ngoài mưa to gió lớn, nắng đổ cháy da. Tuy nhiên, đó là cái tiện lợi của riêng tôi. Để có cái thoải mái đó, tôi hiểu rằng chiếc xe ô tô của tôi đang chiếm diện tích đường lớn hơn nhiều so với người đi xe gắn máy 2 bánh, nhất là so với người sử dụng xe công cộng (tính trên bình quân hiệu quả sử dụng đường của mỗi người)… Xe ô tô của tôi đang cùng nhiều xe ô tô cá nhân khác góp phần vào sự quá tải, gây ùn tắc giao thông trong bối cảnh “đường ít, xe nhiều” như ở TPHCM. Vì vậy, tôi đồng tình với việc nghiên cứu và có lộ trình thực hiện việc hạn chế xe cá nhân mà trước hết là xe ô tô.

Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TPHCM: Bắt đầu từ hạn chế xe ô tô cá nhân ảnh 1

Một số tuyến đường tại TPHCM còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: KIM NGÂN

° Theo ông, phải bắt đầu thế nào để việc hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng?

°Bằng nhiều giải pháp nhưng trong đó cần chú trọng các giải pháp kinh tế. Tôi đã đi nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ và thấy có nhiều giải pháp kinh tế đã được thực thi nhằm hạn chế việc sở hữu, sử dụng xe ô tô cá nhân hay và hiệu quả như đấu giá quyền mua xe ô tô cá nhân, thu phí vào khu trung tâm… TPHCM có thể tham khảo các giải pháp này.

Xe ô tô cá nhân chiếm diện tích đường nhiều hơn các loại phương tiện đi lại khác nên có phải đóng thêm một phí nào đó cao hơn cũng là sự công bằng. Những người sử dụng xe ô tô cá nhân là người có thu nhập tương đối khá, vì thế việc đóng phí thêm có lẽ cũng không quá nặng nề. Cá nhân tôi hiểu và sẵn sàng đóng phí cho việc sở hữu, sử dụng xe ô tô cá nhân của mình. Nếu thấy nặng quá thì mình thôi hoặc bớt sử dụng đi. Nếu cần đi xe hơi thì dùng xe taxi cũng là một giải pháp tốt, tiện lợi và rẻ hơn nhiều so với việc sở hữu, sử dụng một chiếc xe ô tô. Và tốt hơn hết là có một mạng lưới giao thông công cộng (xe buýt, metro…) để đi. Tôi vừa ở London hơn nửa tháng. Đại đa số mọi người đều đi lại bằng phương tiện công cộng. Rất thuận lợi. Tỷ lệ người đi lại bằng xe hơi cá nhân rất ít.

Đi từng bước nhỏ, tránh gây sốc

° TPHCM hiện có khoảng 4,5 triệu xe gắn máy 2 bánh, hiện chúng cũng góp phần không nhỏ cho sự quá tải, gây ùn tắc giao thông ở thành phố. Theo ông có nên hạn chế sử dụng loại xe này?

° Trước hết, tôi phải nói rằng: xe gắn máy 2 bánh có “công lớn” trong sự phát triển chung của thành phố vài chục năm qua. Nó đã và còn là phương tiện mưu sinh thân thiết, không thể thiếu của hàng triệu người dân thành phố. Đúng là khoảng 4,5 triệu xe gắn máy 2 bánh đang lưu thông cũng góp phần gây quá tải, tắc nghẽn giao thông, nhưng trong việc này xe gắn máy, người dân dùng xe gắn máy không có lỗi gì cả - ngoại trừ khi vi phạm luật giao thông. Ngành chức năng mới là đơn vị có lỗi đầu tiên và cao nhất khi để tình trạng giao thông tồi tệ như hiện nay với những yếu kém, những chậm trễ trong quản lý đô thị, trong quy hoạch đô thị, trong phát triển giao thông công cộng, phát triển hạ tầng giao thông… Mặt khác, có thể khẳng định rằng, không thể để mặc sự phát triển dữ dội phương tiện xe gắn máy cá nhân như hiện nay. Cần “hạ nhiệt”, kéo giảm với một gói tổng hòa nhiều giải pháp. Kết hợp giữa kinh tế và hành chính. Kết hợp giữa tác động trực tiếp và tác động gián tiếp. 

Dù biết rằng sẽ rất khó khăn, phức tạp và khó có giải pháp hoàn mỹ trong việc hạn chế xe gắn máy cá nhân. Nhưng đã tới lúc nếu không nói là đã muộn, lãnh đạo thành phố, tất cả người dân chúng ta cần mổ xẻ rốt ráo vấn đề này và sớm có những biện pháp nhằm hạn chế được việc sử dụng xe gắn máy cá nhân với những bước đi nhỏ, “không sốc” nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhất là người có thu nhập thấp. Trong đó, điều quan trọng nhất vẫn phải là có một hệ thống vận tải công cộng tương xứng với một đô thị lớn như TPHCM.

° Cảm ơn ông!

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục