Ông Đào Anh Kiệt, Phó Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM: Thích ứng, giảm phát thải

Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2011-2025 đang được TPHCM khẩn trương hoàn thành. TPHCM sẽ làm gì để thích ứng với BĐKH khi mà theo dự báo của nhiều tổ chức khoa học quốc tế, TPHCM sẽ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Kiệt, Phó Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM xung quanh vấn đề này.
Ông Đào Anh Kiệt, Phó Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM: Thích ứng, giảm phát thải

Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2011-2025 đang được TPHCM khẩn trương hoàn thành. TPHCM sẽ làm gì để thích ứng với BĐKH khi mà theo dự báo của nhiều tổ chức khoa học quốc tế, TPHCM sẽ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH? PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Kiệt, Phó Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM xung quanh vấn đề này.

Ông Đào Anh Kiệt, Phó Thường trực Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM: Thích ứng, giảm phát thải ảnh 1

TPHCM đang xây dựng các cao ốc, khu dân cư xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: KIM NGÂN

Thích ứng với BĐKH: Vấn đề sống còn của TPHCM

° PV: Thưa ông, quan điểm xuyên suốt trong thích ứng với BĐKH của TPHCM giai đoạn 2011-2025 là gì?

° Ông ĐÀO ANH KIỆT: Kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH giai đoạn 2011-2025 đang được các sở, ngành chuyên môn của TPHCM góp ý xây dựng. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới mà ngay cả nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng lúng túng trong cách thích ứng với nó và TPHCM không là ngoại lệ. Thế nhưng, từ những thông tin ban đầu mà cơ quan thường trực thích ứng với BĐKH của TPHCM nghiên cứu và tổng hợp được qua việc lấy ý kiến các sở, ngành, có thể thấy rằng giải pháp khả thi trong thích ứng với BĐKH là thực hiện các giải pháp thích ứng với hiện tượng này. Tôi lấy ví dụ: trong nông nghiệp cần nghiên cứu thêm những giống cây trồng chịu được thời tiết thất thường khi BĐKH diễn ra. Tất nhiên, vấn đề tiếp theo là thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế và đô thị theo hướng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, có khả năng làm BĐKH. 

Là một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, trung bình mỗi năm TPHCM tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tái tạo cũng như không tái tạo được đồng thời thải ra môi trường hơn 2 triệu tấn chất thải mỗi ngày mà trong đó có một khối lượng không nhỏ các chất khí CO2, CH4, NO2… gây hiệu ứng nhà kính. Tình trạng ô nhiễm môi trường này sẽ trầm trọng hơn khi với đà phát triển đô thị như hiện nay nhiều khả năng TPHCM sẽ trở thành một thành phố cực lớn với dân số hơn 10 triệu người. Chìa khóa để giải quyết vấn đề là một chương trình quản lý phát triển đô thị và kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ và hạn chế, không hy sinh môi trường cho các lợi ích kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta sẽ vừa làm vừa bổ sung và hoàn thiện các chương trình cũng như các thể chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chương trình được thực hiện tốt nhất. 

 ° Những điều ông nêu trên ít nhiều cũng đã được nhắc tới trong các chương trình phát triển đô thị và kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, những gì đã thực hiện được theo nguyên tắc này còn rất ít ỏi. Điều gì khiến ông cho rằng chúng sẽ được thực hiện tốt khi được đưa vào kế hoạch thích ứng với BĐKH?

° Thích ứng với BĐKH chỉ hiệu quả khi chúng được tích hợp đầy đủ vào các chương trình phát triển đô thị, kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là chương trình thích ứng với BĐKH bị “hòa tan” vào các chương trình khác mà nó có nhiệm vụ phải đưa thêm các thông tin, thêm giải pháp và thậm chí tìm kiếm thêm các nguồn tài chính từ bên ngoài, hỗ trợ để thành phố thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển đô thị, kinh tế-xã hội đồng thời thích ứng tốt với BĐKH. Thích ứng với BĐKH đã là vấn đề sống còn của các thành phố ven biển như TPHCM. Không những thế TPHCM còn được xác định là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Do vậy, việc hành động theo những nguyên tắc cơ bản trên đã là vấn đề “sống còn” của TPHCM. 

Cũng phải nói thêm rằng, công tác thích ứng BĐKH phải được tiếp cận ở nhiều góc độ và phải được cân nhắc đến nhiều yếu tố với các ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội của thành phố. Công tác thích ứng này cần được đặt trong hoàn cảnh, cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội hiện có của từng ngành, từng khu vực, từng nhóm dân cư để từ đó đánh giá khả năng ứng phó và mức độ dễ bị thương tổn của các nhóm, các khu vực. Tất cả những vấn đề này sẽ được ưu tiên xem xét và được coi như cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc đặt ra chiến lược thích ứng với BĐKH của thành phố. 

 5 vấn đề ưu tiên

° Ông vừa nói đến thích ứng với BĐKH có cân nhắc đến tình hình kinh tế-xã hội của thành phố. Việc ấy như thế nào, thưa ông?

° Đó là việc xác định điểm mạnh và điểm yếu của thành phố. Điểm mạnh của thành phố là trung tâm kinh tế-văn hóa lớn nhất nước. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là dịch vụ, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ cao, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, chi phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng lớn; mạng lưới y tế đáp ứng được cơ bản yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh; đã có khu công nghiệp tập trung, tại đây đã có bộ phận quản lý môi trường chuyên trách; rừng ngập mặn chiếm gần 1/3 diện tích thành phố; lãnh đạo thành phố quan tâm sâu sát đến vấn đề BĐKH. Từ điểm mạnh này, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH cho rằng đây là thời điểm mà thành phố có thể tăng cường chuyển giao công nghệ, tiếp nhận sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực; tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm ứng phó với các kịch bản về BĐKH trong tương lai. Xử lý triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường. Tập trung phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng chất xám cao như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin…

Điểm yếu của thành phố là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kém, dân số tăng nhanh (chủ yếu là tăng cơ học), hệ thống kiểm tra môi trường chưa phát triển kịp với tốc độ phát triển kinh tế, năng lượng sử dụng chưa hiệu quả, thủ tục hành chính còn rườm rà; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn lạc hậu, công nghệ cũ; việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tế còn hạn chế; chưa quản lý hiệu quả việc khai thác tài nguyên đất và nước, thiếu nước sạch vào mùa khô và ngập nước vào mùa mưa… Từ những điểm yếu này, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH cho rằng cần sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn tài nguyên, nhất là các nguồn nhiên liệu; xây dựng hệ thống đê bao điều tiết triều và giảm ngập cho thành phố; di dời dân ra khỏi những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH; chủ động và có cơ chế khuyến khích sử dụng công nghệ mới trong sản xuất công, nông nghiệp…

° Với các phân tích này, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH có xác định được các chương trình, dự án cụ thể nào cần thực hiện ngay và những vấn đề gì cần phải đầu tư lâu dài?

Hiện nay Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH TPHCM đang triển khai 2 chương trình thích ứng với BĐKH lớn, đó là phối hợp với Hà Lan nghiên cứu hướng phát triển đô thị về phía Nam và nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á.

° Hiện nay, hầu hết các sở, ngành của thành phố đều đã xây dựng kế hoạch hành động và đã gửi cho Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH. Ban chỉ đạo đang nghiên cứu, sắp xếp và đánh giá lại… Tuy nhiên, xét đến tính cấp bách, tính hiệu quả, tính đa mục tiêu và tính đòn bẩy cho các chương trình khác, Ban chỉ đạo thích ứng với BĐKH xác định 5 lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Đó là lập và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, kinh tế-xã hội theo hướng thích ứng với BĐKH; quản lý hiệu quả nguồn nước trong đó có chống ngập vào mùa mưa và chống hạn vào mùa nắng; sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng đồng thời nghiên cứu phát triển thêm các nguồn năng lượng mới sạch có khả năng tái tạo; quản lý tài nguyên đất và quản lý chất thải. 

Thế nhưng, nếu trong quá trình giao lưu hợp tác với nước ngoài, các chương trình dự án nào dù không thuộc nhóm ưu tiên song nhận được sự hỗ trợ thì vẫn có thể được triển khai thực hiện ngay theo thỏa thuận.

Một trong những nhóm công việc vừa cần làm ngay vừa cần có thời gian để thực hiện là công tác tuyên truyền về BĐKH đến các tầng lớp nhân dân để người dân có thể chủ động phòng tránh và tham gia vào các hoạt động nhằm thích ứng với BĐKH.

° Cảm ơn ông.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục