
Việc các học giả tên tuổi dày công nghiên cứu và đưa ra những luận điểm giải thích những tồn nghi trong “Truyện Kiều” - một tuyệt phẩm của nền văn học Việt Nam, không có gì lạ. Song chuyện ông Nguyễn Khắc Bảo - một thầy lang ở Bắc Ninh, dám “đăng đàn” đưa ra các ý kiến phản bác lại nhiều đáp số đã được chấp nhận hàng thập kỷ qua, thì quả là hy hữu.
- Những bản Kiều Nôm cổ nhất Việt Nam
Xuất thân trong một gia đình Nho học, chuyên nghề bốc thuốc, tại một làng cổ có tên nôm là Chọi, nên ngay từ nhỏ ông Bảo đã võ vẽ chút chữ Hán, chữ Nôm học lỏm được từ cha và ông nội. Khi gia đình chuyển lên thị xã mở hiệu thuốc Cao Chọi, ông Bảo lại theo học tiếng Nga và trở thành một giáo viên dạy toán.
Năm 1990, sau khi về hưu, ông Bảo quay lại với nghề tổ. Vốn sẵn tính “đã làm thì phải làm đến nơi, đến chốn” nên ông lôi tất cả các đơn thuốc cổ của gia đình ra để “nghiên cứu”. Ngặt nỗi, đơn thuốc, sách thuốc toàn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán thì ông còn nhớ chút ít nhưng chữ Nôm thì phải học lại từ đầu. Không có giáo trình dạy chữ Nôm, ông bèn nghĩ đến cuốn “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm mà các cụ để lại và đi mua thêm một quyển Kiều bằng chữ quốc ngữ để đối chiếu.

Sau đó, cứ một bên là quyển Kiều Nôm, một bên là quyển Kiều quốc ngữ, ông tỉ mẩn nhớ mặt, nhớ nghĩa từng con chữ. Trong quá trình “học vẹt”, ông tình cờ phát hiện có một số từ trong bản Kiều chữ Nôm khác với từ trong quyển Kiều quốc ngữ. Tìm hiểu rộng thêm, ông thấy “Truyện Kiều” có khá nhiều dị bản, điều đó khiến ông băn khoăn: “Trong những từ ngữ khác nhau ấy, từ nào đích thực là của cụ Nguyễn Du, từ nào là của các nhà “chữa Kiều” đời sau?”.
Để giải tỏa mối băn khoăn của mình, ông bắt đầu bằng việc sưu tầm thật nhiều bản Kiều với hy vọng dùng phép “mờ chồng” để tìm ra cái đúng nhất.
Sau hơn 10 năm hao tâm, tổn lực, ông Bảo đã có trong tay 34 bản Kiều chữ Nôm cổ nhất Việt Nam, chưa kể các bản chép tay. Trong đó có 11 bản giữ thế độc quyền, ngay cả Thư viện Quốc gia và Thư viện Hán Nôm cũng không có. Những bản Kiều cổ của ông Bảo hầu hết đều được in trên giấy dó, nhiều bản đã nhòe mực, phai màu và bị thời gian gặm nhấm.
Về số “tài sản” khổng lồ này của mình, ông Bảo nói: “Tôi không nhìn chúng dưới góc độ cổ vật mà dưới góc độ vật chứng văn hóa. Tôi quan niệm mình chỉ là kẻ “gác đền”, số sách này thuộc về tôi nhưng cao hơn nữa chúng là của những người yêu “Truyện Kiều”, yêu văn hóa dân tộc. Có cụ già chống gậy hàng chục cây số đến thăm tôi chỉ để xem tôi đã làm gì với cuốn “Truyện Kiều” mà gia đình cụ lưu giữ hơn một trăm năm nay. Đến khi tận mắt thấy tôi nâng niu, trân trọng nó như thế nào cụ mới yên tâm ra về...”.
- Câu chữ nào của Nguyễn Du xin trả cho... Nguyễn Du
Với quá nhiều vấn đề đặt ra như: Thời điểm Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều”; thời điểm “Truyện Kiều” được sao chép, lưu hành; sự ảnh hưởng ngôn ngữ của ba miền Bắc-Trung-Nam đã chia “Truyện Kiều” thành ba “dòng” khác nhau... khiến việc xác định chính xác những từ ngữ còn nhiều nghi vấn trong “Truyện Kiều” trở nên rất phức tạp.
Bằng cách nghĩ riêng, ông Bảo cho rằng cách tốt nhất hiện nay là tìm được thật nhiều bản Kiều cổ của cả ba dòng, sau đó dùng phép “mờ chồng”, tìm được điểm giống nhau về câu, chữ thì câu, chữ đó là của Nguyễn Du. Bên cạnh phương pháp “dân dã” ấy, ông còn dành nhiều tâm trí nghiên cứu sâu hơn về “thời đại” của “Truyện Kiều”. Ông đọc cả Hồng Đức quốc âm thi tập, thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Từ điển chữ Nôm, Từ điển các chữ kỵ húy...
Ông quan niệm: “Có ý kiến cho rằng, một số câu do người đời sau chỉnh sửa còn hay hơn cả câu nguyên tác và đã được mọi người chấp nhận hàng thập kỷ qua thì nên để như thế, vì nó chỉ làm cho “Truyện Kiều” hay hơn. Nhưng theo tôi, chúng ta phải tôn trọng những gì thuộc về “Truyện Kiều”, thuộc về Nguyễn Du. Điều đó cũng giống như việc chúng ta không thể đem so sánh bình gốm đời Lý với sứ Bát Tràng, Hải Dương của thế kỷ 21".
Đến khi phát hiện vài chục câu, chữ của “Truyện Kiều” quốc ngữ bị “vênh” so với các bản Kiều cổ thì ông Bảo bắt đầu lên tiếng bằng những bài viết gửi cho Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Tạp chí Hán Nôm, Văn nghệ trẻ... với hy vọng được trao đổi bàn bạc với những người đồng mối quan tâm để tìm ra ngôn từ chính xác nhất mà cụ Nguyễn Du đã sử dụng.
Ban đầu có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng ông là kẻ “nệ cổ”, “cuồng ngôn”, “vọng ngoại”... Song trước những lập luận chặt chẽ và chứng cớ rõ ràng mà ông đưa ra, những người phản đối gay gắt nhất cũng dần công nhận là có nhiều điểm ông lang Bảo phát hiện rất trúng.
Ví dụ, ở câu thứ 1951-1952, đoạn Thúc Sinh tâm sự với Thúy Kiều ở Quan Âm các, các bản Kiều quốc ngữ đều chép rằng: “Quản chi lên thác xuống gềnh/ Cũng toan sống thác với tình cho xong” ông Bảo đã chữa thành: “Quản chi trên các, dưới duềnh/ Cũng toan sống thác với tình cho xong”. Ông Bảo lập luận: “Tôi đã căn cứ vào 20 bản Kiều cổ, đều thấy mặt chữ ghi là “trên các dưới duềnh”.
Tìm hiểu thêm thì được biết có điển tích “Dương Hùng đầu các nhi tử - Khuất Nguyên tự trầm Mịch La”. Dương Hùng là một nhà nho đời Hán do xấu hổ vì sự phản bội của mình mà đâm đầu từ trên gác xuống, còn vị quan thanh liêm Khuất Nguyên do sự oan khuất mà phải gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Ở đây, Thúc Sinh ngụ ý nói với Kiều là mình không quản ngại việc “nhảy lầu” hay “trầm mình” song vì chưa có con nối dõi (Tông đường chút chửa cam lòng/ cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai) nên chưa thể chết.
Còn nếu như Thúc Sinh nói là “lên thác xuống ghềnh” thì có nghĩa anh ta sẽ chấp nhận vượt mọi gian khó, chông gai để sát cánh cùng Thúy Kiều, chứ có đâu lại khuyên Thúy Kiều “liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi” - một cách vô trách nhiệm, như thế”.
Đến nay, ông Bảo đã “biên tập lại” được khoảng 100 câu Kiều, nhưng theo ông thì vẫn còn chừng ấy câu Kiều cần được “giải mã” tiếp.
Những ý kiến mà ông Bảo đưa ra còn phải được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, trong một thời gian dài, song dẫu sao những đóng góp của “ông lang vườn” Nguyễn Khắc Bảo - một công dân bình dị, với “Truyện Kiều” cũng thật đáng quý, đáng trân trọng. Bởi chí ít thì điều đó cũng góp phần chứng tỏ sức sống trường tồn của “Truyện Kiều” trong lòng người dân Việt Nam cũng như tình yêu của người Việt Nam với “Truyện Kiều”.
PHẠM MINH NGUYỆT