Ông lão bán me

Ông lão bán me

Trên nhiều con đường “rợp lá me bay” ở TPHCM, hơn 30 năm qua, nhiều người hẳn nhớ đến hình ảnh một ông già bán me với râu tóc bạc phơ, dáng người lam lũ. Tên ông là Nguyễn Văn Thới (67 tuổi). Ông được người ta phong là “vua hái me” ở Sài Gòn từ sau năm 1975 đến giờ. Xung quanh cuộc đời của ông, xuất hiện nhiều giai thoại khác nhau mà ít ai tỏ tường.

Giai thoại “dị bản”

Bà Hạnh, bán cà phê ven đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn trước Nhà máy Ba Son (quận 1), chép miệng: “Ông Thới trước đây bán me ở con đường này, sau đó mới dạt đi chỗ khác, tôi rành ông đó lắm. Ông Thới có 4 người con giàu có, riêng ông thời trai trẻ ăn chơi, hút xách, đánh bài nên mới phải tha hương, làm lụng đủ nghề trước khi mưu sinh bằng nghề hái và bán me dốt. Có lần tôi thấy cậu con trai đi xe hơi loại xịn, đỗ cái xịch ở đây, rước ổng về nhà đàng hoàng”. Chúng tôi hỏi bà Hạnh có tận mắt chứng kiến khung cảnh đối lập ấy không thì bà bảo chỉ… nghe người ta nói mà thôi!

Khi bí mật tìm hiểu về cuộc đời chìm nổi của ông Thới, chúng tôi được anh Thành, chuyên đánh giày ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3), mách nước: “Ngày xưa, ông Thới ở Bình Thuận, sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Chỉ vì ham chơi, thích tửu sắc, bài bạc mà giờ đây ông phải “bán mặt cho trời” để bán me. Anh không thấy khuôn mặt ổng giờ vẫn còn chút nét ăn chơi à? Có ăn chơi mới mau “xuống cấp” như vậy đấy”.

Ông Thới bán me cho khách qua đường

 Tìm tới đường Lý Tự Trọng, bên hông Thư viện Tổng hợp (quận 1), nơi ông Thới đang bán me trong những ngày qua, tôi lại được bà Thảo bán vé số dạo rỉ tai: “Dân ở trung tâm thành phố ai cũng biết ông ấy. Người ta cho tiền nhiều lắm nhưng ổng tiêu xài hoang phí không hà. Hết tiền ông ấy lại ra vỉa hè để kiếm cơm từng bữa với những chùm me dốt hái lúc sáng, chứ có gì bí mật đâu”.

Mỗi người một ý, thành thử cuộc đời của ông lão hái me này tồn tại những luồng ý kiến khác nhau. Có người thương ông, nhưng lắm kẻ nhìn ông ngày này qua ngày khác bằng những đôi mắt “mang hình viên đạn”. Ngay cả tên tuổi, năm sinh, quê hương của ông lão mang một phần dáng dấp của thành phố với những cây me đã đi vào tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn.

Lam lũ mưu sinh

Cách đây độ chục năm, cứ 5 giờ sáng, ông Thới và vợ là bà Trần Thị Ánh (63 tuổi), xuất phát từ một căn nhà trọ ở đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9) ra đứng ở đầu đường để đón xe buýt vào trung tâm thành phố. Cứ thế, họ lang thang trên nhiều con đường Pasteur, Nguyễn Du, Nguyễn Thông, Lý Tự Trọng… để tìm những cây me còn trái. Bà Ánh ở dưới gốc cây đợi, còn ông thoăn thoắt leo tót lên các cành me để hái trái. Trái nào ở gần ông đưa tay ra hái, trái nào ở xa thì ông dùng đồ nghề mang theo là một cái sào dài chừng hơn 1m, phía đầu có xoắn ốc để đưa vào chùm me rồi giật mạnh cho rớt xuống đất để bà Ánh ở dưới thu “chiến lợi phẩm” và bày ra bán gần đó. Lâu rồi, hình ảnh vợ chồng ông Thới đi hái me trở nên quen thuộc với người dân dậy sớm đi tập thể dục, nhưng xa lạ với người dậy muộn. Có người còn không hiểu từ đâu mà ngày nào ông Thới và bà Ánh cũng có nguồn me bán dồi dào như vậy?

Cách đây vài tháng, nhiều tấm lòng thơm thảo của người dân thành phố đã hỗ trợ ông bà chút ít tiền khi trông thấy họ ngồi bán me ở ven đường. Thấy đi xe buýt quá phụ thuộc vào giờ giấc, ông Thới dành dụm mua được chiếc xe máy cũ với giá 3,5 triệu đồng để đi lại. Ông Thới bảo rằng, trước đây hai người đi “khứ hồi” với 4 vé tốn 24.000 đồng, còn bây giờ đổ xăng chạy nên có dư chút tiền mua được cơm hộp ăn trưa hoặc ổ bánh mì lót dạ lúc sáng sớm. Thành phố có hai mùa rõ rệt, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11. Mùa khô, ông Thới còn buôn bán và leo trèo được, chứ mùa mưa chợt đến, chợt đi của thời tiết “đỏng đảnh” , vợ chồng ông chỉ biết ngồi nhà nhìn mưa.

Vuốt chòm râu bạc trắng như cước, đôi mắt nhìn ra phía đường như muốn tìm khách, ông Thới sôi nổi kể về cuộc đời thực của mình (khác với những tin đồn tôi nghe kể): “Quê tôi ở Tây Ninh, quê vợ ở Bình Thuận. Chúng tôi gặp nhau tại thành phố và nên nghĩa tào khang. Vợ chồng tôi có một con tên Nguyễn Thị Thu (31 tuổi) hiện làm công nhân, đã lập gia đình và sống với nhà chồng ở quận 8. May mà gia đình chồng có nhà riêng nên cháu Thu thoát khỏi kiếp gác trọ như cha mẹ nó”.

Dù đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời nhưng khi nhắc lại quãng thời gian tuổi trẻ, ông Thới vẫn nói năng lưu loát, hưng phấn. “Bởi thời trẻ tôi ham chơi, ít ăn học nên giờ già chịu khổ”, ông Thới bộc bạch. Cách đây vài tháng, nhờ tấm lòng phúc hậu của người qua đường, người mua vài chục trái me, người tặng ông bà vài chục ngàn đồng vì cảm thương đôi vợ chồng tuổi cao sức yếu mà còn lam lũ, ông Thới mới có tiền về quê để lo tang chay cho mẹ. Cha ông Thới mất sớm, suốt những năm qua, ông Thới còn phải lo cho mẹ tuổi già, hay đau yếu.

Thời buổi cạnh tranh với đủ loại trái cây ngoại nhập, người mua me của ông bà cũng ít dần. Vì vậy, ông bà chia nhau ra hai nơi để buôn bán. Bà Ánh lo “canh me” vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, rồi tiến tới ngã ba Tôn Đức Thắng - Ngô Văn Năm, hướng ra công viên Bạch Đằng. Còn ông “căng mắt” trong bóng râm dưới những hàng me trên đường Lý Tự Trọng. Cứ mỗi chùm me gồm 5 thanh bán giá 10.000 đồng, còn 10 thanh ông bỏ vào bao ni lông bán giá gấp đôi. Cứ thế, mỗi ngày ông bà cũng kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Khách của họ là người đi đường tốt bụng, ghé lại mua ủng hộ; cũng có khi là các cô cậu tuổi mới lớn, sau giờ tan trường tìm đến ông bà mua me về ăn, hay mang vào lớp học thêm lúc chiều. Bán từ sáng đến trưa, khi cái nắng lên gay gắt, ông lại chở bà về phòng trọ đang thuê với giá 900.000 đồng/tháng để nghỉ ngơi. Tuổi già không thể bán tới chiều như ngày xưa được nữa nên số me còn lại hôm sau mới bán tiếp.

Không như tin đồn

Khi hỏi về thời trai trẻ có như tin đồn, ông Thới bộc bạch: “Tôi cũng có một thời thanh niên sôi nổi lắm, thích nhậu nhẹt, đánh bài như bạn bè đồng trang lứa nhưng chút ít thôi, không ăn vào “máu” để tan nhà nát cửa như người ta nói đâu. Mình cả đời khổ cực, làm gì có tiền mà “đốt” vào thói ăn chơi”. Ông Thới quả quyết, đó là người ta nói quá, chứ ông chỉ biết mưu sinh suốt hơn 3 thập kỷ qua với những cây me và con đường quen thuộc.

Vậy là những giai thoại về cuộc đời chìm nổi của ông lão bán me đã được chính ông giải đáp. Ông Thới và bà Ánh vẫn cần mẫn lao động, kiếm sống bằng mồ hôi và nước mắt, chứ không ngồi ỷ lại vào sự thương hại của đồng loại.

Trước khi tôi cáo từ, ông Thới hướng ánh mắt nhìn ra phía đường sá đang nắng gay gắt, nói: “Mùa khô năm nay đến sớm, xem ti vi thấy nhiều vùng hạn nặng, chỉ sợ TPHCM bị ảnh hưởng. Nắng quá, người ta chạy mất tiêu, chứ có dừng lại mua me đâu”. Câu nói  của ông lão hái me làm tôi đau đáu suy nghĩ, trời nắng như rang mà thân già như vợ chồng ông vẫn phải lam lũ tìm từng đồng bạc cắc. Ở tuổi này, lẽ ra như người khác đã yên bề gia thất, vui thú điền viên, thoải mái với con cháu, chứ đâu có như ông bà!

PHẠM NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục