Ông Minh khuyến học

Ông Nguyễn Quang Minh trao phần thưởng cho HS nghèo hiếu học. Ảnh: N.L
Ông Minh khuyến học

Là người kinh doanh thủy sản nhưng lại nặng nợ với ngành giáo dục. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức và cả tiền của cho việc hỗ trợ giáo dục. Ông là Nguyễn Quang Minh, Hội phó Hội Khuyến học Trường THCS Đức Trí (ĐT),  quận 1,  TPHCM.

  • Người thầy lặng lẽ
Ông Minh khuyến học ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Minh trao phần thưởng cho HS nghèo hiếu học. Ảnh: N.L.

Đưa bản thống kê các khoản hỗ trợ nhà trường, đã trên 100 triệu đồng, ông Minh nhắc đi nhắc lại: “Đây là hoạt động xã hội và hoàn toàn tự nguyện, nên không vì thế con tôi được hưởng bất kỳ sự ưu đãi nào”. Tôi biết ông nhắc đến con gái Nguyễn Thụy Khuê Đài, đang học lớp 7/3 Trường ĐT. Thực ra, ông đã gắn bó với trường từ trước khi con vào học. Nhà ở quận Tân Phú, mỗi ngày ông mất gần hai tiếng đưa con đến trường. Thời gian chờ đón con về, ông ở lại trường rồi trở thành người phụ tá đắc lực từ lúc nào không hay. Cô Nguyễn Thị Phi, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Gia đình ông Minh không mấy khá giả nhưng vì “có duyên” với trường nên ông thường gợi ý cho chúng tôi giao việc. Bản thân em Khuê Đài rất ngoan, là học sinh giỏi nhiều năm liền và cũng thích các hoạt động xã hội”.

Chỉ tôi những bức tường, hàng cột ốp đá xanh dương sáng bóng, một nhóm học sinh khoe: “Công trình này là ông Minh làm để chúng em có chỗ dựa lưng sạch sẽ, mát mẻ khi học bài”. Còn ông chỉ cười: “Ngoài việc học, cơ sở vật chất của trường sạch đẹp sẽ giúp các em gắn bó hơn với thầy cô. Ra trường các em sẽ có nhiều kỷ niệm đẹp, từ đó dễ dàng vượt qua những khó khăn”.

Phần lớn ông dành sự hỗ trợ cho công tác Đội, những đợt kết nạp đoàn viên hay tập nghi thức Đội. Từng tham gia câu lạc bộ nhiếp ảnh, có chút năng khiếu về đồ họa, ông dành nhiều thời gian trang trí các bảng biểu, phòng truyền thống… từ hình ảnh, câu chữ đến khung kính, phông nền sao cho sinh động và phù hợp với từng khối lớp. Trước đây, bảng danh dự của trường chỉ ghi tên những học sinh đạt thành tích cao, nay ông “chỉnh trang” lại với phong cách hoàn toàn mới: ứng với mỗi cái tên là tấm ảnh chân dung, ứng với mỗi khối lớp là màu phông nền riêng biệt, điểm xuyết bằng những cánh hoa, những con thú ngộ nghĩnh.

Học sinh có tên trên bảng còn được ông Minh tặng riêng một tấm ảnh làm kỷ niệm… “Bảng danh dự mới giúp các em học sinh dễ nhận ra nhau, phụ huynh cũng dễ nhận ra con mình nữa. Quan trọng hơn, từ khi có bảng mới, phong trào thi đua học tốt ngày càng sôi nổi vì em nào cũng muốn được… lên bảng. Công trình này được đánh giá là độc đáo đó”, cô Phi tự hào. Cô Phi cho chúng tôi xem những hình ảnh, tư liệu về sinh học, lịch sử, địa lý, văn học… mà thầy Minh đã kỳ công sưu tập trên Internet, đóng tập và sắp xếp ngăn nắp để hỗ trợ các thầy cô trong việc giảng dạy. Ông Minh còn phối hợp với nhà trường mở lớp bồi dưỡng vi tính cho giáo viên, cập nhật các chương trình từ Đại học Sư phạm, Đại học KHTN giúp giáo viên dễ thao tác và sưu tầm tài liệu.

“Ông Minh là thành viên Hội Khuyến học Trường ĐT, nhưng tất cả công việc ông đều kham hết, khối lượng việc có khi gấp 2-3 giáo viên nhưng ông hết sức hào hứng”, một giáo viên Trường ĐT nhận xét.

  • Để học sinh vừa chơi, vừa học

Đầu năm học 2006-2007, sau khi biên soạn “Nội quy diễn đàn ĐT”, ông Minh đã hoàn tất việc thiết lập Ban quản trị mạng trực tuyến. Ông giải thích hiện nay, học sinh truy cập vào website của trường thường chỉ để tán gẫu và truyền bá hình ảnh, thông tin thiếu lành mạnh, nên việc quản trị mạng nội bộ nhà trường là hết sức cần thiết. Tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em trên mạng còn giúp ngăn chặn những ảnh hưởng không tốt. Đóng vai trò Trưởng ban quản trị, ông chú trọng khai thác những hình ảnh, thông tin liên quan đến việc học tập, tâm sinh lý từng lứa tuổi để bổ sung kiến thức cho các em, giúp các em thổ lộ tâm tư, cảm xúc về thầy cô giáo và gia đình với tinh thần “vừa học, vừa chơi”.

Câu lạc bộ Học tốt , cuộc thi “Viết về người thân yêu nhất” do ông phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các học sinh. Trong bài cảm nhận của mình, ông viết: “Tôi thấy mình may mắn khi được xem 404 bài viết của các em, có thể chưa là những bài văn hay nhưng trong từng nét chữ là những tâm tư, cảm xúc rất thật, trong sáng của các em, mà người lớn chúng ta phải nhìn lại mình”. Nhiều phụ huynh đã khóc tại lễ trao giải, bởi “nếu không có cuộc thi này, chẳng bao giờ chúng tôi biết con mình buồn vui thế nào, tôi làm tổn thương con trẻ ra sao”.

Việc chăm lo đời sống tinh thần của cán bộ giáo viên và học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng khiến ông luôn trăn trở. Em Bùi Yến Thanh (cựu học sinh lớp 9 Trường ĐT) vì quá nghèo nên bỏ học, định chuyển qua học nghề. Biết chuyện, ông đã hỗ trợ học phí để Thanh theo học phổ thông. Ông còn thường xuyên hỗ trợ, thăm hỏi trẻ mồ côi ở chùa Diệu Giác, chùa Kỳ Quang 2, Trường mù Nguyển Đình Chiểu…. 

Mồ côi từ bé, ông Minh phải đi làm mướn khắp nơi để kiếm tiền ăn học. Năm 1976, ông vào Thanh niên xung phong, có mặt khắp chiến trường biên giới Tây Nam, đến năm 1983 thì về công tác tại Công ty Thủy sản TPHCM.

NGỌC LINH

Tin cùng chuyên mục