Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều bác sĩ quân y đến tuổi nghỉ hưu, trở về làm “phó thường dân”. Những tưởng mọi người nghỉ ngơi hoặc mở phòng mạch, nhưng với các ông thì không! Máu nghề nghiệp, lòng nhân ái đã khiến họ tập hợp lại thành đoàn thầy thuốc có khi đến cả gần trăm người do Thầy thuốc nhân dân, đại tá - tiến sĩ Nguyễn Sanh Dân dẫn đầu, lại miệt mài đến những vùng khó khăn, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Đó là những thành viên của Ban liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ (B2).
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Sanh Dân hướng dẫn cách dùng thuốc cho cha con người dân tộc Khmer ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh trong một chuyến công tác.
1. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đạt được nhiều thành tựu mang lại cho người dân. Tuy nhiên, đó đây, lúc này lúc khác, vẫn còn không ít người dân gặp cảnh ngặt nghèo, ốm đau, thiếu thốn. Khổ nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi từng là căn cứ cách mạng, người dân bệnh tật không tiền là không thuốc. Trong bối cảnh ấy, Ban liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ (B2) ra đời tháng 12-1996 với phương châm “Phục vụ đúng địa phương, đúng đối tượng, an toàn tuyệt đối cho người bệnh và cho cả đoàn đi phục vụ”. Trong số hơn 200 ban liên lạc truyền thống trực thuộc Hội Cựu chiến binh TPHCM đang hoạt động tốt, trong đó nổi lên Ban liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ (B2) bảo đảm hoạt động đúng mục đích, đúng hướng, có hiệu quả. Là phó ban liên lạc đầu tiên và nay là trưởng ban, Thầy thuốc nhân dân, đại tá - tiến sĩ Nguyễn Sanh Dân là một trong những người hoạt động năng nổ nhiệt huyết trên mặt trận mới những năm qua.
Ông Nguyễn Sanh Dân (thường gọi thân mật là ông Năm Dân) sinh năm 1931 tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Từ năm 17 tuổi, ông đã đầu quân vào đơn vị 251 bảo vệ Ban chỉ huy Quân sự Nam bộ. Bước ngoặt đến với ông khi “công việc chọn người”, từ chiến sĩ bảo vệ trở thành chiến sĩ cứu thương. Nghề dạy nghề, ông mau chóng trở thành y tá có chuyên môn vững, được cấp trên giao nhiệm vụ Trưởng trạm nổi giữa bốn bề sông nước và rừng U Minh thời chống giặc Pháp. Khi 22 tuổi, y tá Năm Dân được bầu làm Chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang Liên phân khu miền Tây Nam bộ và được cử ra Việt Bắc học lớp quân y khóa 4 tại tỉnh Thái Nguyên. Tốt nghiệp ra trường, quân y sĩ Năm Dân phục vụ đội điều trị 2 Cục Quân y. Năm 1960, Năm Dân được cử đi học lớp đào tạo bác sĩ Khóa YC tại Viện Nghiên cứu y học Quân sự (nay là Học viện Quân y). Vừa tốt nghiệp, nỗi nhớ quê hương sống dậy trong ông, bác sĩ Năm Dân tha thiết đề đạt nguyện vọng với cấp trên. Vậy là tháng 1-1965, ông được cử vào chiến trường miền Đông Nam bộ, chỉ định làm Viện trưởng Bệnh viện Quân y có bí danh K71B. Đây là một trong những bệnh viện lớn ở Đông Nam bộ đóng tại phía Tây Bắc Sài Gòn, một chiến trường nổi tiếng ác liệt bom pháo và các trận càn lớn như Johnson City, nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Dưới sự chỉ huy sáng tạo linh hoạt dũng cảm của Viện trưởng Nguyễn Sanh Dân, những thầy thuốc không chỉ giỏi cầm kim tiêm và thuốc men chữa bệnh mà còn vững tay súng chiến đấu kiên cường 28 trận lớn nhỏ bảo vệ hàng ngàn thương binh, bệnh binh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tập thể Bệnh viện K71B vinh dự được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, Bộ Tư lệnh Miền tặng cờ “Bệnh viện khá nhất”, Viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Sanh Dân được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau đó, với ông là những năm tháng miệt mài thu nhận kiến thức trình độ sau đại học với chuyên ngành “Tổ chức chỉ huy quân y” tại Học viện Quân sự danh tiếng Ki-rốp của Liên Xô. Ra trường cuối năm 1980, ông Năm Dân được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Quân y Quân khu 7, đồng thời bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng với đề tài “Nghiên cứu một số hình thức tổ chức cứu chữa, vận chuyển thương binh bệnh binh ở chiến trường Campuchia”. Đây là đề tài khoa học tổng kết thực tiễn và lý luận với nhiều số liệu quý, nhiều đánh giá hay, bài học sinh động, đậm tính nhân văn. Tiếp theo, một loạt nghiên cứu khác đều có giá trị như: nghiên cứu giải quyết nhiễm trùng vết thương; tổng kết 10 năm (1979 - 1989) tổ chức bảo đảm quân y trên chiến trường Campuchia; cụm phẫu thuật dã chiến; cụm bệnh viện chiến dịch… đều là những nghiên cứu khoa học giàu chất xám, giá trị thực tiễn cho chiến trường, góp phần bảo vệ và tăng cường sức chiến đấu của quân đội.
2. Tại con hẻm nhỏ trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, căn nhà đơn sơ của ông Nguyễn Sanh Dân sớm trở thành trụ sở thường trực Ban liên lạc truyền thống Quân y B2. Người dân xung quanh biết ông là thầy thuốc trọng tuổi với nụ cười đôn hậu nhưng ít ai biết, ông là người của công việc, lúc nào cũng bận rộn, hoặc có khi vắng nhà cả ngày hoặc mấy ngày cũng vì công việc. Đó là những ngày ông đi họp, dự hội thảo, đi tiền trạm các nơi sẽ đưa đoàn thầy thuốc đến khám bệnh tri ân và tặng quà miễn phí, hoặc ra Hà Nội họp hành. Cũng khá nhiều thân nhân liệt sĩ khắp 3 miền đến nhờ ông hướng dẫn tìm mộ người thân. Không chỉ bà con người Việt, ông còn tiếp cả khách Tây, đó là phái đoàn MIA của Mỹ đến hỏi ông về những người Mỹ chết trong chiến tranh ở khu vực bệnh viện của ông đóng quân. Vậy là ông lại dẫn đoàn gồm đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Sở Ngoại vụ TP... lên tận núi rừng Tây Ninh tìm được vị trí máy bay L19 bị bắn rơi, còn chỗ chôn phi công Mỹ thì chưa tìm thấy. Ông Năm còn được mời tham gia với vai trò quan trọng các cuộc diễn tập “ĐN-2000” tại Đồng Nai; “YT-05” tại TPHCM; “YT-98” tại An Giang… đều đạt kết quả tốt, đúng kế hoạch.
3. Với đức tính khiêm nhường, cần cù, giản dị, ông Năm Dân đã tạo ra sức thu hút lớn, tập hợp được nhiều thầy thuốc có chuyên môn cao và các dược sĩ tên tuổi thuở nào trong quân ngũ, nay về cùng ông đi làm việc thiện. Phần lớn họ có cấp hàm trung cao cấp, là giám đốc các bệnh viện, chủ nhiệm khoa, có bác sĩ từng chuyên chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ chuyến đi đầu tiên ngày 27-7-1997 tại quận 10 TPHCM, gần 20 năm nay, đoàn thầy thuốc cựu chiến binh quân y miền Đông Nam bộ đã có 25 đợt đi khám chữa bệnh tặng quà miễn phí ở 25 địa phương khác nhau khắp miền Đông Nam bộ và 2 tỉnh ĐBSCL phục vụ 11.400 người dân. Những nơi đoàn đến là các xã anh hùng, xã có nhiều gia đình chính sách, xã vùng sâu vùng xa, biên giới nghèo khó, dân tộc thiểu số, những xã là căn cứ cách mạng của các cơ quan Bộ Tư lệnh Miền, Cục Hậu cần, nơi các bệnh viện quân y đóng quân.
Thật may mắn, là một trong những người có mặt trong những lần theo đoàn thầy thuốc của ông Năm Dân đi làm từ thiện, tôi thật sự xúc động trước những hình ảnh cảm động của bà con cô bác nơi đoàn đến. Ông Lê Hữu Duyên, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM, cảm động nói: “Chỉ có những người thầy thuốc thật sự có tấm lòng thì mới làm được những việc nghĩa cử cao đẹp như thế này”. Hoặc trong lời phát biểu cảm ơn của ông Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình trong chuyến đi thứ 25 vào tháng 4-2014: “Những trái tim người lính cựu chiến binh quân y miền Đông Nam bộ B2 đến với bà con nghèo xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thật là quý…”.
4. Không chỉ có vậy, bằng sự nỗ lực kiên trì vượt khó, Ban liên lạc đã tìm được gần 200 bộ hài cốt, trong đó có 106 bộ hài cốt y bác sĩ nhân viên Bệnh viện K71B hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Qua quá trình tìm kiếm, địa bàn chiến trường xưa nay do thời gian, thiên nhiên, con người làm thay đổi quá nhiều cảnh vật, thậm chí xóa sạch mọi dấu tích đã đẩy mọi nỗ lực tìm kiếm đến vô vọng khiến ông Năm Dân đau đáu khôn nguôi. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, còn đến hơn 9.000 liệt sĩ quân dân y chưa tìm thấy hài cốt. Ông Năm trình bày trước ban liên lạc và báo cáo cơ quan chủ quản ý tưởng xây dựng Nhà tưởng niệm thờ cúng đồng đội chưa tìm thấy nơi chôn cất. Ý tưởng nghĩa nặng tình sâu của ông Năm được mọi người ủng hộ. Thế là một lần nữa ông cùng các thành viên ban liên lạc thân chinh đi “gõ cửa” ban ngành, nhà hảo tâm xin tài trợ.
Có lẽ đồng cảm cùng ông, cùng người lính già hết lòng vì đồng đội mà đã có hơn 300 tấm lòng vàng sẵn lòng chung tay xây dựng thành công công trình nhà tưởng niệm. Công trình tọa lạc trong quần thể khu di tích Cục Hậu cần, nay là ấp Hiệp Hoàng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Từ thời khắc khánh thành 9 giờ ngày 11-5-2010, hơn 9.000 liệt sĩ quân y và thương binh bệnh binh hy sinh tại 34 bệnh viện và 13 đội điều trị quân y cùng 4 bệnh viện Ban Dân y miền trong kháng chiến chống Mỹ, nay đã có ngôi nhà chung để thân nhân, người dân khắp nơi có chỗ viếng thăm, hương khói…
NGUYỄN THẾ KỶ (quận Tân Phú, TPHCM)