Ông Ngô Vi Đồng: “Quân ngũ đã rèn luyện tinh thần vượt khó”

Với giới công nghệ thông tin Việt Nam, HPT là thương hiệu rất quen thuộc. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, người tham gia sáng lập và là lãnh đạo hiện nay của HPT, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Ngô Vi Đồng, từng là một quân nhân. Tuần san SGGP Thứ Bảy đã có cuộc trò chuyện với anh.

– Dường như con đường đến quân ngũ của anh hơi đặc biệt?

– Năm 1976, khi đang học năm cuối phổ thông thì Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự gọi chúng tôi, hứa sẽ nhận, miễn là thi đỗ bất cứ trường đại học nào. Năm đó, tôi thi đỗ với số điểm khá cao nên được chọn vào nhóm sinh viên đưa đi nước ngoài học. Tôi học ngành Máy tính điện tử ở Trường Đại học Bách khoa Donetsk (Ucraina). Năm 1982, sau khi hoàn tất khóa học, tôi về làm việc tại Trung tâm Máy tính của Bộ Quốc phòng.

– Công việc cụ thể của anh ở Trung tâm Máy tính lúc đó là gì?

– Thời điểm đó, ở nước ta việc ứng dụng tin học còn quá xa vời. Máy tính rất ít, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước XHCN. Trung tâm của chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai các ứng dụng của kỹ thuật máy tính nhằm phục vụ cho công tác quốc phòng và dân sự. Tôi được giao trách nhiệm đề ra các giải pháp về hạ tầng cơ sở, đảm bảo hệ thống vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc. Hầu hết máy tính thời đó là loại máy lớn (main frame), có cái to bằng cả một căn phòng, cũ kỹ, sắp hết đát, công nghệ lạc hậu lại không có vật tư để sửa chữa nhưng những dữ liệu trong đó vẫn còn giá trị sử dụng.

Trung tâm của chúng tôi được Bộ Quốc phòng giao thực hiện đề tài nghiên cứu chuyển đổi dữ liệu từ các máy main frame sang các máy tính nhỏ hơn, sao cho dữ liệu vẫn hoạt động được. Phải mất hơn một năm mày mò, tìm kiếm tài liệu khắp các thư viện, tìm mua cả linh kiện ở chợ trời, chúng tôi mới hoàn thành đề tài. Năm 1987, tôi được cử vào TPHCM để triển khai đề tài, có thể nói nhờ đề tài này mà nhiều đơn vị lớn như Điện lực, Bưu điện, Ngân hàng Công thương… đã “lột xác”.

– Công việc đang tiến triển khá tốt sao anh lại nghỉ để ra làm bên ngoài?

– Cũng nhờ làm việc trong ngành công nghệ thông tin nên tôi thấy được tốc độ phát triển chóng mặt của ngành này, cái mới xuất hiện hàng ngày, hàng giờ. Để ứng dụng được những thành tựu mới đó vào thực tế đời thường, năm 1990 tôi xin chuyển ngành. Ban đầu, nhiều đơn vị mời tôi về làm việc như Ngân hàng Công thương, Viện Kinh tế TPHCM… nhưng tôi chọn FPT vì nơi đó “chất” tin học đậm nét hơn cả. Từ 1990 đến 1995, tôi làm Phó Giám đốc chi nhánh FPT tại TPHCM.

– Thế HPT có liên hệ gì với FPT không?

– Năm 1994, Công ty HP (Hewlett Packard - Mỹ) mời FPT hợp tác trong lĩnh vực triển khai ứng dụng các giải pháp tin học nhưng trước đó FPT đã là đối tác của IBM. Để tháo gỡ vướng mắc đó, HP đồng ý hợp tác với FPT thông qua một công ty mới do FPT thành lập là Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ tin học HPT (High Performance Technology Co. Ltd HCMC), đến năm 2004 thì chuyển thành công ty cổ phần. Tôi là một trong năm thành viên của FPT tham gia sáng lập và lãnh đạo HPT đến giờ. Tuy có “gốc gác” từ FPT nhưng chúng tôi luôn tự bươn chải, đứng trên đôi chân của chính mình cho đến hiện nay.

– Qua hơn 15 năm dấn thân vào thương trường, trông anh bây giờ hoàn toàn khác hẳn một quân nhân?

– Cho đến bây giờ và mãi về sau tôi vẫn luôn nhớ về những ngày trong quân đội. Chính nhờ đất nước và quân đội mà tôi được đi học, có kiến thức, được thực hành những gì đã học. Cho dù ngày nay, những kiến thức chuyên môn lúc trước hầu như không còn giá trị thực tế nhưng nếu không có nó thì không có tôi hôm nay. Quân ngũ đã rèn luyện cho tôi tính kỷ luật, tinh thần vượt khó, tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi trở ngại. Những phẩm chất đó luôn song hành cùng tôi, luôn hiện diện trong quá trình đi lên của HPT.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục