Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ mới

*  Bà Nguyễn Thị Doan  được bầu làm Phó Chủ tịch nước

*  Bà Nguyễn Thị Doan  được bầu làm Phó Chủ tịch nước

* Ông Trương Hòa Bình được bầu làm Chánh án TANDTC

* Ông Trần Quốc Vượng được bầu làm Viện trưởng VKSNDTC

Hôm qua, 25-7, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu các chức danh Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao. Với 478/486 phiếu thuận, đạt tỷ lệ 96,96% đại biểu Quốc hội tín nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tái đắc cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn các ĐBQH đã bỏ phiếu tín nhiệm ông và cho biết sẽ có bài phát biểu nhậm chức vào ngày 2-8 tới đây, khi Chính phủ mới ra mắt.

Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, với 354/486 phiếu thuận, đạt tỷ lệ 71,81%. Trung tướng Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ Công an, trúng cử chức vụ Chánh án TAND tối cao với 85,4% ĐBQH tán thành. Ông Trần Quốc Vượng, Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao, được Quốc hội bầu giữ chức vụ Viện trưởng Viện KSND tối cao, với 92,09% ĐBQH tán thành.

Cũng hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt UBTVQH trình Quốc hội dự kiến số lượng Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Dân tộc; số Phó Chủ nhiệm, Ủy viên của mỗi Ủy ban của Quốc hội; và Đoàn Thư ký kỳ họp. Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, để đáp ứng yêu cầu đặt ra của các cơ quan của Quốc hội, nhất là trong tổ chức thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, tổ chức giám sát, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, cần tăng thêm số lượng lãnh đạo của Hội đồng Dân tộc, và một số Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, bố trí hợp lý số Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm, và các Ủy viên kiêm nhiệm. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Hội đồng Dân tộc có 8 Phó Chủ tịch (gồm 5 phó chủ tịch chuyên trách và 3 phó chủ tịch kiêm nhiệm), tăng 2 phó chủ tịch so với khóa XI. Tổng số thành viên của Hội đồng Dân tộc khóa XII là 39. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là 4 (giống khóa XI). Tổng số thành viên của Ủy ban Pháp luật là 35. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là 4, tổng số thành viên là 34. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế là 4, tổng số thành viên là 36. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách là 4, tổng số thành viên là 35. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh là 2, tổng số thành viên là 34. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng là 4, tổng số thành viên là 39. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội là 4, tổng số thành viên là 40. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và MT là 4, tổng số thành viên là 37. Số Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại là 3, tổng số thành viên là 30. Đoàn Thư ký kỳ họp gồm 13 thành viên, trong đó có Trưởng đoàn thư ký và 12 thư ký.

Chiều nay, 26-7, Chủ tịch Quốc hội sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử nhân sự để bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và Ủy viên của mỗi Ủy ban của Quốc hội; Đoàn thư ký kỳ họp.

B.M.

Tóm tắt tiểu sử Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

- Sinh ngày 17-11-1949
- Quê quán: TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau
- Thành phần gia đình: Cán bộ kháng chiến
- Ngày tham gia Cách mạng: 17-11-1961
- Ngày vào Đảng: 10-6-1967
- Trình độ học vấn: Cử nhân Luật; Lý luận Chính trị cao cấp

- Ủy viên BCHTƯ Đảng khóa 6, 7, 8, 9, 10. Ủy viên Bộ Chính trị khóa 8, 9, 10. Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu Quốc hội khóa 10, 11, 12.
Quá trình công tác:

- Tháng 11-1961 đến tháng 9-1981: Tham gia quân đội, đã qua các cấp bậc - chức vụ: Chính trị viên trưởng Đại đội Quân y (Bí thư Chi bộ Đảng) thuộc Tỉnh Đội tỉnh Rạch Giá; Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Bộ binh 152 (Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn) chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia; Thiếu tá, Trưởng ban Cán bộ (Phó Bí thư Đảng ủy Phòng Chính trị) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang.

- Tháng 10-1981 đến tháng 12-1994: Học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tỉnh ủy viên, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9.

- Tháng 1-1995 đến tháng 5-1996: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Đảng ủy viên Đảng ủy Công an TƯ.

- Tháng 6-1996 đến tháng 8-1997: Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng và phụ trách công tác Tài chính của Đảng.

- Tháng 9-1997 đến tháng 6-2006: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về Đổi mới DNNN; Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tội phạm và Trưởng ban Chỉ đạo một số công tác khác.

- Tháng 7-2006 đến nay (7-2007): Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.


  • Phó Chủ tịch nước NGUYỄN THỊ DOAN

Bà Nguyễn Thị Doan sinh năm 1951, quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, bà Doan được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Trước khi được bầu làm Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Bà Nguyễn Thị Doan trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Hà Nam với tỷ lệ phiếu 85%.

  • Viện trưởng Viện KSND tối cao TRẦN QUỐC VƯỢNG

Ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Thạc sĩ Luật. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, ông Vượng được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Trước khi được bầu làm Viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Trần Quốc Vượng là Phó Viện trưởng Thường trực Viện KSND tối cao. Ông Trần Quốc Vượng trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Lai Châu với số phiếu 87%.

  • Chánh án TAND tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Ông Trương Hòa Bình sinh năm 1955, quê Cần Giuộc, tỉnh Long An, là Tiến sĩ Luật. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, ông Bình được bầu vào BCH Trung ương Đảng. Trước khi được bầu làm Chánh án TAND tối cao, ông Trương Hòa Bình là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Bình là đại biểu QH khóa X, XI và vừa trúng cử đại biểu QH khóa XII tại Long An với số phiếu 71%.

Tin cùng chuyên mục